Nhiều DN nước ngoài thực hiện xúc tiến thương mại hàng hóa, đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh |
Cụ thể thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài cho 85 dự án từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đạt 141,6 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 25 dự án, vốn đầu tư 65 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Góp vốn, mua cổ phần có 299 dự án, vốn đầu tư đạt 1,67 tỷ USD. Tính tổng cộng trong 2 tháng đầu năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút trên 1,8 tỷ USD vốn FDI từ các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Phân theo loại hình đầu tư 100% vốn nước ngoài có 77 dự án, vốn đầu tư đạt 135,8 triệu USD; liên doanh 8 dự án, vốn đầu tư đạt 5,8 triệu USD.
Thu hút vốn theo ngành hoạt động: công nghiệp có 8 dự án, vốn đầu tư ở vị trí dẫn đầu với 74,1 triệu USD, chiếm hơn ½ tổng vốn cấp mới. Kế đến là hoạt động kinh doanh bất động sản 4 dự án, vốn đầu tư 47,5 triệu USD (chiếm 33,5%); thương nghiệp 28 dự án, vốn đầu tư 10,3 triệu USD (chiếm 7,3%); hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ 30 dự án, vốn đầu tư 3,8 triệu USD (chiếm 2,7%).
Theo đối tác đầu tư, Na Uy 2 dự án với vốn đầu tư chiếm gần 50% tổng vốn đăng ký cấp mới, đạt 70,1 triệu USD; Hàn Quốc 16 dự án, vốn đầu tư đạt 48,5 triệu USD (chiếm 34,3%); Singapore 9 dự án, vốn đầu tư 7,2 triệu USD (chiếm 5,1%); Nhật Bản 15 dự án, vốn đầu tư 3,9 triệu USD (chiếm 2,8%)...
Bên cạnh thu hút FDI, trong 2 tháng/2018 thành phố đã cấp phép cho 5.593 doanh nghiệp (DN) trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 67.580 tỷ đồng, tăng 59,9% về số lượng giấy phép và 59,8% về vốn. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 71,8% tổng số DN được cấp phép, tăng 63,8% với vốn đăng ký 53.794 tỷ đồng, tăng 58,8%.
Thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy môi trường sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn để đạt mục tiêu đề ra trong thu hút đầu tư. Đồng thời nghiên cứu sự tác động của 5 yếu tố đối với sự phát triển kinh tế của thành phố đó là chất lượng lao động; thay đổi cơ cấu vốn; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thay đổi nhu cầu dịch vụ, hàng hóa; thay đổi cơ cấu kinh tế.
Ngoài ra, đối với vấn đề thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thành phố sẽ kiến nghị Trung ương sớm sửa đổi, điều chỉnh các văn bản liên quan. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu UBND thành phố về việc đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư của thành phố tập trung vào các công ty, tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn DN có uy tín và thương hiệu trên thế giới để mời gọi đầu tư.