Chủ nhật 11/05/2025 12:25

TP. Hồ Chí Minh: Tăng trưởng xanh - chiến lược phát triển tương lai

TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, hợp tác đa quốc gia và kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững hơn.

Chiều 24/1/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP. Hồ Chí Minh”.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc hội nghị

Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích lắng nghe những chia sẻ, đề xuất và kinh nghiệm về các chủ đề đổi mới công nghệ xanh, quản lý nguồn nước và năng lượng, cũng như các giải pháp cho sự phát triển đô thị bền vững.

Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước cùng với các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: TP. Hồ Chí Minh được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường -Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.

Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang bị đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh khẳng định, cùng với xu hướng chung của thế giới, thành phố cũng đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu của thành phố nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Cùng với đó, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Đại biểu tham dự hội nghị

TP. Hồ Chí Minh cũng đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để từ đó học hỏi, rút ra được nhiều kinh nghiệm hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Qua hội nghị này, thành phố rất mong muốn được nghe ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm của quý vị về các chủ đề chính như đổi mới công nghệ xanh, quản lý nguồn nước và năng lượng, cũng như các giải pháp cho sự phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, mong muốn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.

“Sự hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (World Bank), các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên và góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung” - Chủ tịch Phan Văn Mãi tin tưởng.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận về các chủ đề chuyên sâu như: Khuôn khổ phát triển và tài chính nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh; định hướng chiến lược cho khung kinh tế xanh TP. Hồ Chí Minh; đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh Thành phố và các báo cáo tham luận mang tính gợi mở vấn đề.

Đáng chú ý, tại hội nghị UBND TP. Hồ Chí Minh công bố danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư nhằm mục tiêu hướng đến phát triển xanh của thành phố. Đây là cơ hội lý tưởng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư khám phá tiềm năng hợp tác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh thành phố là cơ hội lý tưởng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư khám phá tiềm năng hợp tác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh.

Qua hội nghị này, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát lại hiện trạng và hoàn thiện các giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất để giúp thành phố nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành một “thành phố xanh” dựa trên cơ sở một nền “kinh tế xanh”.

Hiện nay, các lĩnh vực TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thực hiện để chuyển đổi xanh như: Chuyển đổi năng lượng xanh, xây dựng xanh, quản lý nguồn nước. Đặc biệt, Nghị quyết 98/2023/QH15 đã mở ra nhiều cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh trong chuyển đổi xanh. Trong đó, có vấn đề năng lượng áp mái, TP. Hồ Chí Minh đang rà soát, kiến nghị để các doanh nghiệp có thể sử dụng năng lượng sạch, từ đó có được tín chỉ xanh tham gia thị trường.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: TP. Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục

Mai một nghề muối Sa Huỳnh giữa vùng di sản văn hóa

Sáp nhập Đà Nẵng – Quảng Nam: Hình thành vùng kinh tế trọng điểm

Thành phố Huế: Lập đội liên ngành xử lý vấn nạn môi trường du lịch

Nhiều giải pháp chuyển đổi, quản lý năng lượng xanh cho doanh nghiệp

Nhiều giải pháp để du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ‘cất cánh’

Tiền Giang xuất khẩu gần 2 tỷ USD trong 4 tháng năm 2025

Thương mại Đắk Nông ổn định, sức mua phục hồi tích cực

Sản xuất công nghiệp Đắk Nông giữ đà tăng trưởng

Cơ hội 'săn' hàng hiệu ở Vũng Tàu trong dịp lễ 30/4

TP. Hồ Chí Minh thông xe dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Khai mạc hội chợ triển lãm 'Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2025'

Hà Tĩnh: Khánh thành Bến số 3 Cảng quốc tế Lào - Việt

Thái Nguyên: Giám đốc Sở Công Thương livestream quảng bá đặc sản địa phương

Gỡ khó cho các khu công nghiệp VSIP Nghệ An

Nghệ An: Tiểu thương được 'cầm tay' chỉ cách bán hàng online

Đào Bắc Hà mất mùa: Sản lượng giảm, giá không tăng

Nam Định còn bao nhiêu xã phường và tên gọi ra sao sau sắp xếp?

Ngành Công Thương Đắk Nông chủ động mở rộng đầu ra nông sản

Bà Rịa-Vũng Tàu: Đồng loạt khởi công, khánh thành 4 công trình

Long An khởi công, khánh thành 5 dự án trọng điểm