Dồn dập mua sắm Tết trên kênh online TP. Hồ Chí Minh: Siêu thị tìm cách kích cầu sức mua |
Ghi nhận sáng sớm ngày 5/2 (26 tháng chạp) tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức không khí mua bán tấp nập hơn. Lượng hàng hóa đổ về chợ nhiều, giá ổn định. Chị Trần Thị Hà - tiểu thương bán rau củ tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, từ ngày 23 tháng chạp đến nay lượng khách đổ về chợ mua sắm đã nhiều hơn. Năm nay, giá cả các loại rau củ khá rẻ, tạo điều kiện cho người dân mua sắm tết. Theo đó, các loại rau như xà lách, tần ô chỉ 10.000 đồng/kg, cần tây 5.000 đồng/kg, các loại cải thảo, cà rốt, củ cải, khổ qua… có giá chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng/kg.
Hàng hóa về các chợ đầu mối nhiều, giá ổn định |
Ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thông tin, lượng hàng cung ứng tết của các nhà vườn tăng nhẹ so với năm trước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Dự kiến trong những ngày cao điểm từ 4 đến 7/2 (ngày 25 đến 28 tháng Chạp), lượng hàng nhập chợ tăng dần, trong đó lượng rau từ 1.800 - 2.500 tấn/ngày, trái cây từ 2.200 - 2.500 tấn/ngày, hoa tươi từ 200 - 400 tấn/ngày. Theo đó, từ ngày 25 tháng Chạp, khoảng 3.000 tấn hàng về chợ (tăng khoảng 20%), ngày 26 tháng Chạp khoảng 3.500 tấn, cao điểm 27 và 28 tháng Chạp khoảng 4.500 tấn hàng về chợ, tăng khoảng 80% so với ngày thường…
Về phía chợ đầu mối Hóc Môn, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc chợ cho hay, từ ngày 4 đến 9/2 (nhằm 25-30 tháng Chạp), lượng hàng tăng từ 30-50% so với bình thường. Riêng thịt heo, tối 8/2 (ngày 29 tháng Chạp), lượng hàng sẽ tăng gần 100%.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, ông Phan Thành Tân - Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho biết, sản lượng hàng hóa tăng bình quân với mức 20-35% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất (từ 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 40-60%, đạt khoảng 3.200 - 4.000 tấn/đêm. Từ đêm 27 tháng Chạp, lượng hàng hóa nhập chợ bắt đầu giảm dần, đến đêm 28 tháng chạp sản lượng giảm xuống thấp chỉ bằng 50 - 60% so với lúc bình thường.
Cùng với thực phẩm thiết yếu, nhiều sản phẩm may mặc cũng được giảm giá mạnh, tạo điều kiện cho người dân mua sắm |
“Ghi nhận đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng nông sản thực phẩm tại chợ ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Dự báo những ngày cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng hơn. Chợ Bình Điền đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường với giá giữ mức ổn định”, ông Tân khẳng định.
Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị như Emart (Quận Gò Vấp), Co.opmart, Co.opXtra, Mega Market sức mua hàng Tết cũng bắt đầu tăng. Ngoài các mặt hàng thiết yếu thì nhóm sản phẩm chuyên phục vụ cho mùa Tết như: Bánh mứt, giò chả, thực phẩm khô, giỏ quà Tết cũng ghi nhận sức mua tăng trưởng khá.
Tại Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, khách mua sắm Tết nhộn nhịp. Hàng loạt sản phẩm thuộc các ngành hàng có nhu cầu cao dịp Tết tại siêu thị này như bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh, nước giải khát, sản phẩm gia dụng, thời trang du xuân đều khuyến mãi, giảm giá sâu đến 50%, mua 1 tặng 1, có quà tặng đi kèm.
Nhu cầu mua sắm tăng cao những ngày gần Tết, cộng hưởng với các chương trình khuyến mãi, sức mua tại các siêu thị Emart đã tăng khoảng 20% so với ngày thường.
Đại diện MM Mega Market cho biết, sức mua của các mặt hàng như bánh kẹo tăng 15%, các đơn hàng quà Tết tăng 15% so với tết năm ngoái. Doanh thu tại các trung tâm tăng khoảng 300% so với ngày thường.
Tại hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op, từ ngày 2/2 (23 tháng Chạp) lượng khách tới mua sắm Tết cũng nhộn nhịp hơn. Đông nhất là khu vực trưng bày thực phẩm, quà Tết, đồ gia dụng.
Quầy hàng bánh kẹo tấp nập người mua sắm |
Chị Mai Vy (ngụ tại TP.Thủ Đức) cho biết, năm nay thu nhập không cao nên gia đình chị chỉ mua sắm cầm chừng. Sau khi biết siêu thị tung ra hàng loạt sản phẩm đại hạ giá, gia đình chị tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần tới mua sắm.
“Đồ ăn thì chỉ mua chả, xúc xích cho các bé, thêm sữa chua, bánh kẹo, trái cây cũng mua tương đối. Thực phẩm giảm giá thì mình sẽ mua nhiều”, chị Vy chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, thành phố cùng cả nước đang có nhiều hoạt động chuẩn bị vui xuân đón Tết cho người dân. Các nhà bán lẻ lớn đều có nghiên cứu kỹ sức mua, thị hiếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết, tạo điều kiện cho người mua sắm với những sản phẩm gần gũi, thiết yếu. Nhờ vậy, sức mua cận Tết đang tăng trở lại, đây là tín hiệu tốt.
"Thị trường khó, nhưng không khó đến mức không ai mặn mà đi sắm Tết. Các doanh nghiệp, đơn vị đều nỗ lực chăm lo cho người lao động, bản thân người dân khi có lương, thưởng cũng muốn có một cái Tết sung túc", ông Dũng nhận định.