Cụ thể, ngày 9/9, Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Theo đó, xét xử bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác về 3 tội: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Ngân hàng SCB - (Ảnh: Lê Giang). |
Quyết định đưa vụ án ra xét xử và các phụ lục danh sách bị hại, danh sách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đăng công khai trên Trang thông tin điện tử Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tại địa chỉ: https://hochiminhcity.toaan.gov.vn.
Toà án sẽ xét xử vắng mặt 35.824 bị hại, nhưng vẫn sẽ đảm bảo quyền cho những người này. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng, do bà Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa.
Theo cáo trạng, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bà Trương Mỹ Lan đã họp với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB để chọn và sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”; không có tài sản đảm bảo; với mục đích để tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.
Về 25 mã trái phiếu được phát hành bởi bốn công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, có giá trị là 30.869 tỉ đồng. Tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều giao dịch, phương pháp để rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Ở tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan tố tụng cũng xác định được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền là 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng. Trong đó, tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỉ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỉ USD.
Ở tội Rửa tiền, 445 triệu tỉ đồng là số tiền được bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng nhiều phương thức để cắt đứt dòng tiền do phạm tội mà có. Trong đó, hơn 415.000 tỉ đồng là từ "rút ruột" SCB và 30.000 tỉ đồng là lừa đảo chiếm đoạt của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1 diễn ra hồi tháng 3/2024, bà Trương Mỹ Lan bị Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Hội đồng xét xử xác định, bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỷ đồng, tuy nhiên đã nộp tiền khắc phục hậu quả nên chỉ còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhận định dù không quản lý, điều hành trực tiếp nhưng bị cáo Lan có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB. Từ đó, bà Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB.
Viện kiểm sát nêu quan điểm có đủ căn cứ xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 17/10/2022 Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho SCB số tiền đặc biệt lớn: 677.286 tỷ đồng. Đây chính là hậu quả thiệt hại của vụ án do hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong xã hội.