TP. Hồ Chí Minh: “Kích” du lịch đường thủy
Cơ sở hạ tầng là “chìa khóa” thúc đẩy du lịch đường sông |
Tăng phương tiện giá rẻ
TP. Hồ Chí Minh nằm giữa hai con sông lớn là Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, đồng thời chịu ảnh hưởng nhiều của hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài các sông, còn có mạng lưới kênh rạch chằng chịt như Láng The, Bàu Nông, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ… Với cảnh quan tươi đẹp, đây được coi là tài nguyên hiếm có của thành phố nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Để phát huy lợi thế này, mới đây, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc rà soát, ký kết hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với Công ty TNHH Thường Nhật đầu tư hai tuyến tàu bus đường sông. Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, hai tuyến bus có tổng chiều dài hơn 21km, chạy từ quận Thủ Đức đến quận 8, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ.
Cụ thể, tuyến số 1 (Linh Đông - Bạch Đằng) dài 11km bắt đầu từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) chạy theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và đến bến Bạch Đằng, dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 6/2017. Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dự kiến đến tháng 9/2017 đưa vào khai thác.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Minh, khu bến trung tâm (rộng khoảng 3ha) sẽ tọa lạc tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, trên các tuyến sẽ có hai bến ở đầu và cuối tuyến, ngoài ra còn có 6 bến đón và trả khách dọc tuyến. “Khi đưa tàu bus đường sông vào hoạt động, ngoài giúp người dân đi lại thuận lợi, giải tỏa bớt nạn kẹt xe trên đường bộ còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch” - ông Minh đánh giá.
Theo quy hoạch, lộ trình của hai tuyến tàu bus đường sông sẽ có thời gian đi khoảng 30 phút/chuyến. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 120 tỷ đồng. Mỗi tàu có sức chứa khoảng 80 chỗ, giá vé (không trợ giá) do nhà đầu tư đề xuất khoảng 30.000 đồng/vé/tuyến. Dự tính, mỗi ngày 2 tuyến tàu bus sẽ vận chuyển khoảng 5.000 lượt hành khách. Công ty Thường Nhật đề xuất, trước mắt đầu tư tuyến số 1 và số 2, sau đó sẽ mở rộng ra các tuyến đi An Lộc (quận 12), sang khu vực Miếu Nổi (quận Phú Nhuận), cầu Bình Lợi hoặc về Phú Mỹ Hưng.
Cải tạo cơ sở hạ tầng
Xác định cơ sở hạ tầng là một trong những “chìa khóa” nhằm thúc đẩy du lịch đường sông, UBND quận 1 đã có kế hoạch cải tạo lại bến Bạch Đằng sau hơn hai năm bỏ hoang để làm bến tàu bus và tổ chức chợ phiên cuối tuần với khoảng 100 gian hàng, nhằm quảng bá thương hiệu Việt và tạo không gian vui chơi, điểm đến cho khách du lịch và người dân.
Tại các chương trình đó, các thương hiệu Việt sẽ đăng ký luân phiên để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán hàng tùy theo chủ đề trong tuần như ẩm thực, thời trang, du lịch, thủ công mỹ nghệ...
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đã có quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn, lộ trình kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng - Ba Son - bến Bạch Đằng - cột cờ Thủ Ngữ - cảng quận 4 và điểm cuối đến chân cầu Tân Thuận. Khu vực này khi hoàn thành sẽ trở thành dải công viên cảnh quan đối ứng với khu đô thị mới Thủ Thiêm ở bờ Đông sông Sài Gòn.
Trên các tuyến sông và kênh rạch, ngoài hai tuyến tàu bus sắp đưa vào vận hành, nhiều hình thức đưa đón khách du ngoạn cảnh quan sông nước, hoạt động mua sắm dưới dạng “trên bến dưới thuyền” tiêu biểu như: “Phà du lịch trên sông Bến Nghé” và Dự án “Thuyền cà phê” trên sông cũng sẽ được tổ chức. |