TP. Hồ Chí Minh đón đoàn du khách Trung Quốc đầu tiên sau 3 năm Covid
Háo hức được trở lại tham quan Việt Nam
Sáng ngày 17/3, đoàn 16 khách Trung Quốc đã nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh theo visa on arrival và đi tour trong 8 ngày 7 đêm. Điểm đầu tiên đoàn khách ghé tham quan là TP. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ đi Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận) và quay về TP. Hồ Chí Minh để trở lại Trung Quốc.
Tham quan một số điểm đến của TP. Hồ Chí Minh trong ngày 17/3, ông Đường Kiên - một du khách đến từ Trung Quốc - cho biết: Chuyến du lịch cuối cùng trước khi dịch COVID-19 ập tới của ông là Việt Nam, vì vậy khi Trung Quốc mở cửa du lịch ông Kiên và người thân chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên.
Du khách Trung Quốc chụp ảnh kỉ niệm với chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam tại Bưu điện TP. Hồ Chí Minh |
Lần trở lại này, ông Kiên cho biết muốn khám phá những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam mà trước đó chưa đến gồm TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Mũi Né... “Việt Nam có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp, con người cũng rất thân thiện”- ông Kiên chia sẻ.
Một số du khách khác thì cho biết đã mong chờ chuyến đi này khi nhận được thông báo nối lại du lịch giữa hai nước. Đặc biệt, trước khi tới Việt Nam họ đã đọc nhiều thông tin về các điểm du lịch và thấy thú vị nên đã quyết định chờ mở cửa sẽ đến.
Du khách Trung Quốc tham quan các điểm đến của TP. Hồ Chí Minh |
Là doanh nghiệp tổ chức tour cho đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam, Công ty TNHH Du lịch cộng đồng và tổ chức sự kiện BT tour cho biết, đoàn khách có 16 thành viên đến từ Thượng Hải, Trung Quốc và sẽ tham quan, du lịch trong 8 ngày tại Việt Nam. Theo ông ông Lê Hồng Tú - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch cộng đồng và tổ chức sự kiện BT tour, việc khách Trung Quốc trở lại sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho ngành du lịch để phục hồi tốt hơn. Bởi lẽ khi chưa có khách Trung Quốc trở lại, một số điểm đến thường cung cấp giá dịch vụ khá cầm chừng hoặc chỉ cung cấp giá dịch vụ trước 3 tháng, điều này gây khó cho các công ty lữ hành khi xây dựng giá tour.
Tuy nhiên, theo ông Tú, ngay khi có thông tin khách Trung Quốc trở lại Việt Nam, một số điểm đến đã bắt đầu thực hiện bình ổn giá các dịch vụ du lịch.
“Việc bình ổn giá và cung cấp bảng giá dài hạn sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành xây dựng được các chương trình tour bình ổn và dài ngày hơn. Bởi đa số các đối tác nước ngoài muốn các công ty cung cấp dịch vụ trước 6 tháng để họ chào bán cho tất cả du khách đến từ các nước chứ không riêng gì du khách Trung Quốc”, ông Lê Hồng Tú cho biết thêm.
Thay đổi tư duy để tăng lợi thế cạnh tranh
Việc khách Trung Quốc trở lại Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng song vẫn có không ít quan điểm bày tỏ lo lắng khách du lịch nước này tới Việt Nam vì là “điểm đến rẻ”, ít chi tiêu, hoặc xuất hiện tình trạng tour 0 đồng…
Liên quan vấn đề này, bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc chi tiêu "value for money - đáng đồng tiền bát gạo", không phải là "điểm đến giá rẻ".
Theo đó, trước dịch COVID-19, khách Trung Quốc đến Việt Nam theo tour giá rẻ, tour 0 đồng chiếm tỉ lệ không nhỏ nên nhiều người nghĩ họ không có khả năng chi trả. Tuy nhiên, khi Sun Group làm việc với một số tỉnh ở Trung Quốc, khảo sát các khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch của Trung Quốc, so sánh với Việt Nam và nhận thấy cảnh quan du lịch nước ta đẹp, giá cả hợp lý và hoàn toàn có thể cạnh tranh được.
“Phải chăng một số doanh nghiệp du lịch đang tự dìm hàng mình là điểm đến giá rẻ. Tư duy này cần phải thay đổi để tăng lợi thế cạnh tranh, đón được khách hạng sang, khách chi tiêu cao của Trung Quốc", bà Trần Nguyện cho biết thêm.
Thực tế các doanh nghiệp lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh đều nhận định khách du lịch Trung Quốc sử dụng dịch vụ và mức chi tiêu khá tốt, đa phần khách thích loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm nên có sự chuẩn bị khá tốt để tăng sức cạnh tranh.
Bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Vietluxtour - cho biết, Vietluxtour tập trung vào phân khúc khách từ trung đến cao cấp nên các sản phẩm dành cho khách Trung Quốc cũng được nghiên cứu, thiết kế phục vụ phân khúc này. “Khách Trung Quốc trước đây của doanh nghiệp có tiêu chuẩn sử dụng dịch vụ và mức chi tiêu khá tốt, đa phần khách thích loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm. Vì vậy các sản phẩm dành cho thị trường này cũng tập trung vào dịch vụ tiêu chuẩn từ 3-5 sao, tập trung ở các thành phố lớn, đáp ứng tiện nghi tham quan, ẩm thực, mua sắm…”- bà Thoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Việc mở cửa trở lại du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam là điều mà các doanh nghiệp du lịch chờ đợi nhiều tháng qua. Đây sẽ là cơ hội phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. |