Tổng thống Biden cáo buộc Thủ tướng Israel ''dối trá'' sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas
Tờ New York Times đưa tin, mối quan hệ giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và /chu-de/tong-thong-hoa-ky-joe-biden.topic đang ngày càng rạn nứt, sau khi ông Netanyahu đã phản đối những lo ngại của Mỹ về việc Israel đã ám sát người đứng đầu của các nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas và Hezbollah, trong đó bao gồm thủ lĩnh cấp cao của Hamas là Ismail Haniyeh.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden (Nguồn ảnh: Getty Image) |
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, ông Netanyahu và ông Biden đã có một cuộc hội đàm căng thẳng vào ngày thứ năm 1/8 (giờ Mỹ), trong đó ông Netanyahu phủ nhận rằng Israel đã gây trở ngại cho thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời bác bỏ lập luận của ông Biden rằng việc ám sát thủ lĩnh Hamas trên đất Iran có thể phá hoại tiến trình thỏa thuận.
Phản bác lại điều này, ông Biden đã ra tuyên bố "đanh thép": “Dừng ngay cái trò dối trá này lại. Đừng coi nhẹ vai trò của một Tổng thống Mỹ.”
Văn phòng của Thủ tướng Israel sau đó đã không bình luận về những tuyên bố trên, nhưng cũng nói rằng ông Netanyahu sẽ “không can thiệp vào chính trị Mỹ và sẽ làm việc với bất kỳ ai được bầu làm Tổng thống, đồng thời mong muốn người Mỹ cũng sẽ không can thiệp vào chính trị Israel”.
Theo một quan chức Israel cấp cao giấu tên, ông Netanyahu đã khẳng định bản thân mình không hề cố tình trì hoãn tiến trình ngừng bắn. Tuy vậy, Thủ tướng Israel cũng thừa nhận rằng cái chết của ông Haniyeh, nhà đàm phán chính trong các cuộc thảo luận, sẽ làm gián đoạn tiến trình trong một vài ngày. Nhưng theo lập luận của ông Netanyahu, điều này sẽ tạo thêm áp lực cho phía Hamas và có thể sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán.
Ngược lại, ông Biden cho rằng vụ ám sát thủ lĩnh Hamas là sai thời điểm, vào đúng lúc mà người dân Mỹ đang hy vọng giao tranh tại dải Gaza sẽ kết thúc. Hơn nữa, ông Biden cũng đã bày tỏ lo ngại rằng việc Israel phát động chiến dịch ở Tehran (Iran) có thể lan rộng chiến tranh trong khu vực, điều mà chính quyền của ông đang cố gắng ngăn chặn.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm, ông Biden nói: “Hôm nay, tôi đã có cuộc hội đàm rất thẳng thắn với Thủ tướng Israel, rất thẳng thắn. Chúng tôi đã có cơ sở để tiến hành ngừng bắn. Ông Netanyahu nên tiếp tục thỏa thuận này và nên tiếp tục nó ngay bây giờ.”
Khi được hỏi liệu vụ ám sát ông Haniyeh có khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn hay không, ông Biden nói: “Điều đó chẳng giúp ích được gì. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ.”
Tổng thống Biden cũng không phải người duy nhất nảy sinh xung đột đối với Thủ tướng Israel trong tuần qua. Một ngày sau cuộc hội đàm, truyền thông Israel đưa tin rằng ông Netanyahu đã nảy sinh tranh cãi với chính các quan chức an ninh của mình, khi họ cáo buộc ông đã thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn. Phía văn phòng của Thủ tướng Israel sau đó đã phản bác thông tin này.
Được biết, ông Netanyahu đã ra lệnh cho các nhà đàm phán quay trở lại thủ đô Cairo (Ai Cập) vào cuối tuần qua để nối lại tiến trình đàm phán hòa bình tại dải Gaza. Quan chức Mỹ giấu tên cho biết những bất đồng giữa phía Mỹ và Israel sau đó đã được giải quyết, và cho rằng những lời cáo buộc ông Netanyahu thay đổi điều kiện trong thỏa thuận là “không công bằng”. Tuy vậy, vẫn chưa có bước đột phá mới nào trong thỏa thuận ngừng bắn từ đó đến nay.
Ngược lại, quan chức Israel giấu tên lại cho rằng áp lực từ phía Mỹ có thể cho Hamas thấy rằng nước này không hoàn toàn ủng hộ Israel, tạo điều kiện cho Hamas từ bỏ quá trình đàm phán. Quan chức Mỹ giấu tên sau đó đã bác bỏ quan điểm trên, và thậm chí còn đặt câu hỏi ngược lại rằng liệu ông Netanyahu có thực sự muốn một thỏa thuận ngừng bắn hay không, hay chỉ đơn thuần muốn đánh lạc hướng dư luận Israel.
Câu hỏi trên cũng đã được đưa ra trong cuộc gặp giữa ông Biden và ông Netanyahu tại Nhà Trắng vào ngày 25/7. Theo lời quan chức Mỹ, Tổng thống Biden cũng đã nhiều lần to tiếng với Thủ tướng Israel trong cuộc gặp mặt, và nhấn mạnh rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ phải được thực hiện trong vòng một hoặc hai tuần.
Ông Biden cũng không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên bày tỏ sự bất bình với Thủ tướng Netanyahu về xung đột Israel - Palestine. Vào cuối năm 2021, cựu Tổng thống /chu-de/donald-trump.topic đã từng nói rằng lý do chính khiến một cuộc “đàm phán cuối cùng” giữa Israel và Palestine sẽ không bao giờ xảy ra là vì ông Netanyahu không muốn có nó.
Cụ thể, ông Trump đã nói: “Cả cuộc đời tôi là những cuộc đàm phán. Đó là tất cả những gì tôi làm, vì vậy tôi hiểu bản chất của chúng. Và sau khi gặp Thủ tướng Israel được ba phút, tôi ngắt lời ông ấy giữa chừng và nói: “Ông thực sự không muốn đàm phán đâu. Có phải vậy không?” Và ông ấy đã trả lời ậm ừ. Thực tế là, tôi nghĩ ông ấy chưa bao giờ muốn một thỏa thuận hòa bình.”