Thứ năm 26/12/2024 19:58

Tỉnh cuối Đồng bằng sông Hồng, sắp khởi công siêu dự án điện khí LNG 2 tỷ USD

Thái Bình đang phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh công tác chuẩn bị, sẵn sàng khởi công dự án Nhiệt điện khí LNG vào quý III/2025, nộp thuế trên 4 nghìn tỷ/năm.

Mới đây, thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình cho biết, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Tokyo Gas (Nhật Bản) và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam - Liên danh nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thái Bình về công tác triển khai đầu tư dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Liên danh nhà đầu tư, ông Kasutani, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tokyo Gas cho biết, đến nay Liên danh đang cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện các thủ tục, xây dựng chi tiết kế hoạch đầu tư, đồng thời chuẩn bị huy động mọi nguồn lực để sẵn sàng bắt tay thực hiện xây dựng nhà máy. Tập đoàn Tokyo Gas mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư dự án.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình làm việc với nhà đầu tư về dự án điện khí LNG Thái Bình

Trao đổi với Liên danh nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ghi nhận những nỗ lực của Tập đoàn Tokyo Gas cũng như Liên danh nhà đầu tư đã bám sát tiến độ đề ra, chuẩn bị hệ điều kiện cần thiết, nhất là thủ tục pháp lý và nguồn lực đầu tư, công nghệ, máy móc, thiết bị để sẵn sàng khởi công đúng tiến độ của dự án được phê duyệt.

"Nhà máy Nhiệt điện khí LNG là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các địa phương phía Bắc. Vì vậy, Thái Bình đã đưa dự án vào danh sách các dự án, công trình trọng điểm của Thái Bình; lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo về tiến độ thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư"- ông Nguyễn Khắc Thận khẳng định.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để Liên danh triển khai dự án; trước mắt sẽ bàn giao mặt bằng sạch như tiến độ đã thống nhất. Cấp ủy, chính quyền tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư thuộc thẩm quyền và tham mưu, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư, kinh doanh năng lượng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Liên danh nhà đầu tư chủ động huy động bảo đảm nguồn lực tài chính phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, tổ chức khởi công, về đích đúng tiến độ đề ra.

Để đảm bảo đúng tiến độ dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình đề ra, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, làm việc với nhà đầu tư nhằm kịp thời nắm bắt tiến độ, khó khăn, vướng mắc. Trước đó vào tháng 5/2024, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải đã có buổi làm việc với lãnh đạo liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án. Tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, sẵn sàng với phương án mở rộng, nâng cao công suất của dự án; có giải pháp cung cấp khí bảo đảm an toàn, ổn định cho nhà máy hoạt động thường xuyên, trong đó cân nhắc việc xem xét sử dụng nguồn khí LNG do Tổng công ty Khí Việt Nam -CTCP phát triển cung cấp và từ khai thác mỏ khí Kỳ Lân của Thái Bình trong tương lai. Thái Bình mong muốn xây dựng trung tâm năng lượng xanh nên ủng hộ ý tưởng của Tập đoàn Tokyo Gas nghiên cứu phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng đề nghị liên danh nhà đầu tư phối hợp với các sở, ngành chức năng và huyện Thái Thụy sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công dự án. Trước mắt khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước tháng 1/2025 để sẵn sàng các điều kiện giúp nhà đầu tư khởi công Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình theo tiến độ đề ra.

Được biết, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Thái Bình do Tập đoàn Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là nhà đầu tư. Nhà máy có tổng công suất thiết kế khoảng 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Dự án sử dụng công nghệ sản xuất điện bằng tuabin khí, chu trình hỗn hợp hiện đại và có hiệu suất cao, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu. Dự kiến dự án được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030. Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành thương mại, trung bình nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng/năm.

Phối cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Thái Bình

Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/ QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 và Quyết định số 262/QĐ-TTg, ngày 1/4/2024 . Dự án nằm trong quy hoạch Trung tâm Điện - Khí LNG xây dựng tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh nên các sở ngành địa phương tập trung phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư triển khai các công việc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo đó, thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình, UBND huyện Thái Thụy đã thành lập tổ công tác hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam về kế hoạch giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, trong công tác rà soát hiện trạng, đo đạc, lập bản đồ GPMB, đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác khảo sát, đo vẽ và trích lục bản đồ địa chính. Hiện nay, huyện đã tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1 khu tái định cư tại thôn Tân Tiến (Thái Đô) với diện tích 0,9 ha...

Có thể thấy, Thái Bình đang cùng với nhà đầu tư nỗ lực từng ngày để sớm khởi công dự án. Việc sớm hoàn thiện dự án có ý nghĩa rất lớn không chỉ tạo ra bước đột phá, góp phần bảo đảm năng lượng quốc gia, đưa Thái Bình trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu Đồng bằng sông Hồng mà còn mở ra cơ hội phát triển năng lượng sạch của cả nước. Khi dự án đi vào hoạt động còn đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy công nghiệp và kinh tế của địa phương. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các nhà đầu tư, dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Thái Bình đang từng bước tiến gần hơn đến giai đoạn khởi công, hứa hẹn sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của địa phương và quốc gia.

Tokyo Gas thành lập năm 1885, là một trong những công ty khí lớn nhất Nhật Bản và có vị thế quan trọng trong ngành khí toàn cầu. Tokyo Gas đang cung cấp khí cho hơn 11 triệu khách hàng tại Nhật Bản và là nhà cung cấp khí hóa lỏng chính cho nhiều thành phố lớn như: Tokyo, Kanagawa, Chiba...

Kyuden (thuộc Công ty Điện lực Kyushu). Công ty Điện lực Kyushu được thành lập năm 1951. Vốn điều lệ 2,2 tỷ USD, đến nay có tổng tài sản hơn 46,6 tỷ USD - thuộc Top 5 của Nhật Bản về phát triển các nhà máy điện.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, trong đó phát triển các dự án năng lượng sạch là thế mạnh và là hướng ưu tiên đầu tư.

Hiện doanh nghiệp này đã liên danh với một số tập đoàn lớn của Thái Lan, Pháp đầu tư và đưa vào vận hành thương mại thành công 3 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất 357 MWp tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Trà Vinh

Thụy Anh
Bài viết cùng chủ đề: Điện khí LNG

Tin cùng chuyên mục

Mật mía Thạch Thành, hương vị Tết cổ truyền ở xứ Thanh

Ngành Công Thương Cần Thơ 2024: Dấu ấn từ những con số biết nói

Ngành Công Thương Hải Phòng: Dấu ấn tăng trưởng trong năm nhiều biến động

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024