Tín hiệu tích cực về dữ liệu tồn kho, giá cà phê xuất khẩu chấm dứt chuỗi tăng
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch 5/3, giá Arabica đánh mất 1,9% và giá Robusta giảm 0,28%, chấm dứt chuỗi tăng ba phiên liên tiếp. Những tín hiệu tích cực về dữ liệu tồn kho, kết hợp với sự mạnh lên của đồng Real Brazil đã tạo áp lực kép lên giá Arabica.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp đà hồi phục, góp phần củng cố tình hình nguồn cung trên thị trường. Tính đến hết phiên 4/3, lượng cà phê đạt chuẩn trên Sở ICE tăng 10.560 bao loại 60kg, đưa tổng số bao đã qua chứng nhận lên gần 371.110 bao. Cùng với đó, hôm qua, tỷ giá USD/BRL lấy lại 0,25% đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Giá Arabica đánh mất 1,9% và giá Robusta giảm 0,28%, chấm dứt chuỗi tăng ba phiên liên tiếp |
Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê từ một số quốc gia xuất khẩu lớn cũng đang tăng lên. Theo ước tính sơ bộ từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), xuất khẩu cà phê Arabica dạng hạt của Brazil trong tháng 2/2024, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 2,97 triệu bao.
Giá Robusta suy yếu dưới áp lực kỹ thuật, bất chấp rủi ro nguồn cung vẫn tiềm ẩn trên thị trường. Kết phiên 4/3, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm 120 tấn, về còn 23.470 tấn. Hơn nữa, nắng nóng kéo dài tại khu vực gieo trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam càng làm gia tăng lo ngại về triển vọng nguồn cung kém khả quan.
Đà tăng của cà phê vẫn còn nguyên mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung, đồng USD giảm, tồn kho giảm và thời tiết ở Brazil tuần qua chỉ có lượng mưa tương đương 50% mức trung bình, đe dọa sản lượng cà phê niên vụ 2024/2025.
Tại nhà cung cấp Việt Nam, hoạt động thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 – 2024 đã gần như kết thúc. Sản lượng được Hiệp hội Cà phê – Cacao dự báo giảm 10% so với niên vụ trước đó xuống 1,6 triệu tấn. Nguyên nhân là do diện tích trồng cà phê có bị thu hẹp do nông dân chuyển hướng cân trồng.
Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, chuyên gia cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.
Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.
Cà phê là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân Italia. Dự báo thị trường cà phê Italia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,35%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029.
Kết quả điều tra thị trường cho thấy, cà phê Robusta thống trị thị trường cà phê tại Italia, với 56% thị phần vào năm 2023. Hạt cà phê Robusta có hàm lượng caffeine cao khiến chúng ít chua hơn và đậm đà hơn. Đây được cho là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Tháng 2, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% |
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2023, Italia nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối EU đạt 624,61 nghìn tấn, trị giá gần 2,1 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 8,2% về trị giá so với năm 2022.
Trong đó, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 150,13 nghìn tấn, trị giá 345,38 triệu USD, giảm 0,5% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Italia từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 23,13% năm 2022 lên 24,04% trong năm 2023.
Năm 2023, Italia nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 198,37 nghìn tấn, trị giá 727,31 triệu USD, giảm 0,8% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với năm 2022. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Italia từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 30,65% năm 2022 lên 31,76% trong năm 2023.
Trong tương lai, Brazil và Việt Nam được nhận định vẫn là 2 nguồn cung cà phê chủ yếu cho Italia.