Tìm giải pháp "hạ nhiệt" thị trường phân bón: Bài 1. Giá phân bón trong nước vẫn neo ở mức cao
LTS: Giá nguyên liệu tăng phi mã dẫn tới giá phân bón trong nước cũng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người nông dân đã đến “ngưỡng chịu đựng”. Vậy giải pháp nào giúp “hạ nhiệt” thị trường phân bón trong bối cảnh hiện nay?
Nông dân đã “chạm ngưỡng chịu đựng” vì giá phân bón tăng cao.
Đó là chia sẻ của ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền. Ông Đông cho biết, giá nguyên liệu phân bón tăng cao dẫn tới giá phân bón trong nước cũng tăng cao, bất chấp nỗ lực kiềm chế của các doanh nghiệp. Một số loại phân bón làm nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm của Công ty như urê, DAP, SA và kali thời điểm cuối năm 2021 tăng trung bình gấp 2-3 lần so với đầu năm.
Hiện công tác xuất khẩu phân bón của Bình Điền đang gặp khó khăn vì giá đã tăng lên quá cao |
Việc xuất khẩu phân bón của Bình Điền cũng bị hạn chế do giá tăng lên quá cao. Thông thường vào thời điểm tháng 5, tháng 6 hàng năm là dịp Bình Điền xuất khẩuđi nhiều nhất. Nhưng theo quan sát của phóng viên tại cảng Vàm Cỏ (Long An) - địa điểm xuất hàng của Công ty những ngày này khá vắng vẻ. “Với tình hình giá phân bón cao như hiện nay, thực sự người nông dân đã đến ngưỡng chịu đựng, cực kỳ khó khăn” - ông Đông thừa nhận.
Giá phân bón quá cao khiến nông dân chịu thiệt hại rất nhiều vì chi phí sản xuất bị đẩy tăng ăn mòn lợi nhuận tối thiểu.
Tháng 5 - 6 là mùa cao điểm tiêu thụ phân bón bởi đây là thời điểm bắt đầu mùa mưa, vào vụ trồng trọt của nhiều loại cây, nhu cầu chăm bón cho các vườn cây ăn trái cũng như cây lâu năm tăng. Tại thị trường Nam bộ, giá phân bón hiện tại vẫn duy trì ở mức cao: phân urê khoảng 16.000 - 16.500 đồng/kg, phân kali 18.000 đồng/kg, phân DAP từ 22.000 - 26.500 đồng/kg.
Chi phí cho phân bón chiếm khoảng 40% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hòa là người dân trồng ổi tại xã Tân Việt - huyện Thanh Hà (Hải Dương) cho biết: gia đình ông canh tác gần 10 mẫu ổi. Những năm trước, tiền phân bón các loại trung bình hết tầm 6 triệu trên một mẫu ổi. Nhưng hơn một năm trở lại đây giá phân bón đã tăng lên gấp đôi. Cụ thể, phân NPK của Supe Lâm Thao loại bao 50kg giá chỉ có 150.000 đ/bao 50kg. Nhưng giá hiện tại ông phải mua 235.000 đ/bao. Tương tự, giá urê Phú Mỹ trước đây 9.000 đ/kg, giờ đã tăng lên đúng gấp đôi là 18.000 đ/kg! Chi phí chỉ riêng cho phân bón đã hết hơn khoảng 120 triệu một năm. Trong khi giá ổi bán ra vẫn thế, thậm chí còn thấp hơn do lượng hoa quả dư thừa trong nước do không xuất khẩu được sang Trung Quốc dẫn tới giá ổi xuống theo. Chính vì thế, năm 2021 sau khi trừ đi chi phí, cả năm ông chỉ thu lãi về hơn 40 triệu. Con số này chỉ bằng 1/3 so với những năm trước. Đến hiện tại, giá phân bón vẫn đang tiếp tục tăng, ông Hòa cho hay "hiện tại không nghĩ tới chuyện lãi nữa, giờ tính xoay tiền để mua phân bón cũng khó khăn". Theo ghi nhận, tại cả huyện Thanh Hà, người dân trồng ổi và vải thiều - hai loại nông sản chủ lực của huyện này đang “ngao ngán” khi nghĩ tới chuyện mua phân bón bởi nếu phân bón tiếp tục tăng, sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí là lỗ.
Bà Hồ Thị Minh (Tổ 1, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) băn khoăn: Chưa bao giờ tôi thấy giá phân lại tăng cao như thời gian này. Nếu như trước đây, giá đạm urê chỉ khoảng 8.000 đồng/kg thì nay lên gần 20.000 đồng/kg. Nông dân gắn bó với ruộng đồng, chủ yếu lấy công làm lãi mà giá phân bón cao như thế thì chúng tôi không còn lãi. Đợt này, thu hoạch xong là bắt tay vào làm vụ mới, nếu giá phân bón còn tăng nữa, tôi cũng chưa biết phải tính sao!
Nguyên liệu đầu vào tăng 2-3 lần
Ông Nguyễn Viết Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết, dù đã cố gắng nhưng giá phân bón cũng phải điều tiết theo giá thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, giá than đầu vào cho sản xuất đạm ure đã tăng 237% kể từ thời điểm tháng 5/2021. Than là nguyên liệu chính để sản xuất urê của đơn vị này. Chính vì thế, dù không muốn nhưng giá urê vẫn phải tăng theo đà tăng của nguyên liệu. Giá urê của Đạm Ninh Bình luôn rẻ hơn urê cùng chủng loại trên thị trường từ 200 đến 500đ/kg. Đấy đã là nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong bối cảnh giá than tăng chóng mặt như hiện nay. Dự kiến đến hết năm nay, giá than sẽ còn biến động. Chính vì thế, câu chuyện giá thành phân bón cũng không thể biết trước được - ông Hiến chia sẻ.
Nhiều loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đã tăng từ 50 đến hơn 200% từ đầu năm 2020 đến nay |
Ông Vũ Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty CP DAP-VINACHEM cũng thông tin: Từ đầu năm 2022 đến nay, giá lưu huỳnh đã tăng hơn 85,3% (từ 286 USD/tấn lên 530 USD/tấn. Giá NH3 tăng 36,8% (từ 866 USD/tấn lên 1.185 USD/ tấn), tương đương với mức tăng 319 USD/tấn. Nếu tính từ cuối năm 2020, giá NH3 đã tăng gấp 3 lần.
Giá dầu FO sấy nguyên liệu tăng 33,8%; giá cước vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng cao… Giá quặng apatit tuyển cũng tăng rất mạnh, từ 1.045.000 đồng/tấn (tháng 5/2021) lên 1.450.000 đồng/tấn (tháng 4/2022), tương ứng 38,8%.
Các chi phí đầu vào có tác động mạnh, đã đẩy giá thành sản phẩm phân bón DAP của Công ty tăng rất cao. Thực tế, DAP-VINACHEM cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước hiện nay đều không muốn tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Cùng hoàn cảnh tương tự, ông Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phản ánh: Hiện Supe Lâm Thao cũng đang phải nhập các nguồn nguyên liệu với giá rất cao như kali, lưu huỳnh, SA, quặng apatit. Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới đã đẩy giá kali lên rất cao (từ 11 triệu đồng lên gần 20 triệu đồng/tấn).
Ông Hồng cũng cho biết, cùng với việc Trung Quốc kiên định chính sách “zero-Covid”, và có thể điều chỉnh chính sách về phân bón khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là SA nghiêm trọng thêm, đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao… Thực tế hiện nay Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu các loại phân bón kali và SA này. Hiện nay giá phân bón đã ở mức rất cao, Công ty không muốn tăng giá vì tăng giá vì sẽ giảm thị trường, giảm sức mua.
Chính vì phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong bối cảnh xung đột Nga - Ucraina ngày càng leo thang dẫn tới giá thành phân bón trong nước cũng phải điều tiết theo giá nguyên liệu trên toàn cầu, khó có thể kìm giá phân bón.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2020 lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,23 triệu tấn. Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,71 triệu tấn. Dự báo nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021. Khoảng 840 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất 32,27 triệu tấn/năm. Các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân urê, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. |