Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình: Mở rộng thị trường mới, chủ động các giải pháp vượt khó sau đại dịch |
Dồn sức để lần đầu tiên có lãi sau hơn 10 năm thua lỗ
Mặc dù thiếu than cho sản xuất, có một số giai đoạn lượng than được cung cấp chỉ đủ duy trì chạy máy ở mức công suất tối thiểu, nhưng năm 2022, Đạm Ninh Bình vẫn lạc quan đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 100 tỷ đồng.
Theo đó, công ty dồn sức phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 420 nghìn tấn urê trong năm 2022; tổng doanh thu cả năm đạt 4.484 tỷ đồng. Đây là con số rất tích cực được đưa ra sau nhiều năm liền công ty phải gánh chịu thua lỗ do gánh nặng vốn vay và khó khăn chồng chất.
Mặc dù lượng than cung cấp chỉ đạt 60% công suất, Đạm Ninh Bình vẫn linh hoạt trong sản xuất và lạc quan với con số lợi nhuận đạt 100 tỷ đồng năm 2022 |
Từ tháng 7/2021, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Đạm Ninh Bình đã nỗ lực vươn lên và lần đầu tiên kinh doanh có lãi sau 10 năm hoạt động sản xuất kinh doanh. Cả năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.001 tỷ đồng, bằng 158% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 241% so với thực hiện năm 2020. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 4.088 tỷ đồng, bằng 168% với kế hoạch năm 2021 và đạt bằng 230% so với thực hiện năm 2020. Tổng sản lượng urê sản xuất, tiêu thụ đạt 445 nghìn tấn, bằng 123% so với kế hoạch năm 2021 và bằng 159% so với thực hiện năm 2020.
Năm 2021, công ty lỗ 57 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này đã giảm 1.193 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 và giảm lỗ 1.674 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020.
Những nỗ lực này của Đạm Ninh Bình đã được lãnh đạo các Bộ, ngành ghi nhận, biểu dương. Tại buổi thăm và làm việc với công ty nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những kết quả sản xuất kinh doanh tích cực bước đầu có được nhờ nỗ lực ngoạn mục của nhà máy.
Linh hoạt trong thời điểm thiếu than để sản xuất
Lãnh đạo công ty cho biết: Đạm Ninh Bình đang nỗ lực hết sức để duy trì sản xuất và có thể lạc quan về con số lợi nhuận 100 tỷ đồng trong năm 2022. Nếu nhìn vào kết quả sản xuất kinh doanh chính mà công ty đạt được trong quý I/2022 thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi: Lượng urê sản xuất và tiêu thụ đạt gần 110 nghìn tấn. Tổng doanh thu đạt 1.728 tỷ đồng, đạt kế hoạch được giao. Thu nhập của gần 1.000 người lao động được cải thiện ổn định, đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng. Đạm Ninh Bình đã cơ bản chủ động được nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, công suất thiết kế của Đạm Ninh Bình là 560.000 tấn urê/năm. Hiện công ty đang duy trì chạy máy ở mức 70 - 75% công suất (đây là công suất tối thiểu do nhà thiết kế khuyến cáo) do thiếu than cung cấp. Thậm chí, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất vì nguồn than từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thường cấp ít hơn kế hoạch đã đăng ký, dẫn đến không đủ than chạy máy.
Về vấn đề này, tại buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đạm Ninh Bình đã kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo để TKV đảm bảo cung cấp đủ sản lượng than theo hợp đồng đã ký và ổn định giá than hợp lý.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã giao Vụ Dầu khí và Than kết nối, kiểm soát, giám sát hoạt động cung ứng than ổn định cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói chung và các nhà máy có sử dụng nguyên liệu than của TKV nói riêng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty cũng chia sẻ, thời gian vừa qua Đạm Ninh Bình cũng sử dụng hàng loạt biện pháp linh hoạt trong một số thời điểm thiếu than sản xuất: Nếu được cấp than theo đúng kế hoạch, doanh nghiệp sẽ duy trì sản xuất ổn định, có được nguồn hàng cung cấp ra thị trường, đồng thời bình ổn giá trong bối cảnh nguồn phân bón cả nước đang khan hiếm.