Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài 1: Những trăn trở từ đồng ruộng Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài 2 -Góc nhìn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị từ chuyên gia |
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này?
Là người gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông đánh giá thế nào về vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta nhìn về lịch sử thuế VAT với mặt hàng phân bón được quy định lần đầu tiên từ năm 1997 với mức thuế suất 5%. Đến năm 2014, nền kinh tế có sự thay đổi, để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phân phối, thúc đẩy nông nghiệp, do đó Quốc hội đã quyết định không áp thuế VAT với mặt hàng này.
Đối với nông nghiệp, phát triển bền vững là phải đầu tư cho những nơi thấp nhất. Đó là đất, là nước, là người nông dân. (Ảnh: N.H) |
Quyết định có hiệu lực từ tháng 1/2015 đã đem lại niềm vui cho nông dân, nông nghiệp được mùa và tăng trưởng. Rõ ràng, chính sách mang lại hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, ngay sau đó, khi thị trường nông nghiệp gặp một số vấn đề. Doanh nghiệp phân bón lại nhận thêm gánh nặng, bởi nguyên liệu đầu vào bị đánh thuế nhưng không được khấu trừ đầu ra nên đã cộng vào giá sản phẩm. Người thiệt hại cuối cùng chính là người nông dân phải mua với phân bón với giá cao hơn.
Khi chính sách không áp thuế VAT phân bón đi vào thực thi, cả nước thời điểm đó có khoảng 7.900 doanh nghiệp, trong số đó, nhiều doanh nghiệp lao đao, lách luật, tăng giá, và cũng có nơi sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Bên cạnh đó, xuất hiện rất nhiều các doanh nghiệp thành lập mới nhưng buôn bán hóa đơn VAT, khiến thị trường phân bón trở lên phức tạp.
Về thị trường, kể từ khi phân bón được miễn thuế VAT đến nay, số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng nhập khẩu dao động 3,3-5,6 triệu tấn/năm; kim ngạch 952 triệu đến 1,6 tỉ USD/năm, trong khi tổng công suất sản xuất nội địa ngày càng thu hẹp từ 3,5 triệu tấn/năm (trước năm 2014) xuống còn 380.000 tấn/năm (từ năm 2015).
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. (Ảnh: Nguyễn Chương) |
Trong khoảng thời gian này, Bộ Công Thương cho biết, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình phân bón giả gây thiệt hại 200 USD/ha thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỉ USD.
Việc đưa phân bón vào diện không chịu thuế khiến doanh nghiệp sản xuất bị thu hẹp, hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam vì có điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn. Cuối cùng, người nông dân vẫn phải mua phân bón nhập giá cao, cùng với tâm lý chuộng ‘hàng ngoại’ càng tăng thêm lợi thế cạnh tranh phân bón nhập khẩu so với phân bón sản xuất trong nước.
Như vậy, bên cạnh niềm vui về việc phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT giúp giá phân bón giảm thì nông dân lại bị thiệt hại do sự hỗn loạn của thị trường phân bón gây ra.
Hiện trên Nghị trường Quốc hội và trên khắp các diễn đàn, vấn đề áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Trở lại câu chuyện sửa đổi về thuế suất đối với mặt hàng phân bón, chúng ta đang cứ loanh quanh về việc ai lợi, ai thiệt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bài toán ở đây là phải hài hòa lợi ích.
Câu chuyện áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón hay phân bón được miễn thuế VAT, theo quan điểm của tôi, đó chỉ là sự luân chuyển ‘nỗi đau’ của doanh nghiệp sang ‘nỗi đau’ của người nông dân và ngược lại.
Chúng ta có nói như thế nào thì rõ ràng việc áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón nông dân sẽ là người chịu thiệt. Chúng ta đừng 'loay quanh' bởi rõ ràng khi cơ quan chức năng áp thuế, nông dân sẽ phải bỏ thêm tiền để mua phân bón.
Câu hỏi đặt ra, chúng ta làm gì để nông dân bớt lỗi đau? Quan điểm của tôi là phải điều tiết trở lại, đồng thời, Nhà nước cần phải bình ổn giá.
Căn cứ nào để điều tiết cho nông dân, nông nghiệp, thưa ông?
Thứ nhất, trong 4 vai trò của thuế VAT, có một vai trò đó là điều tiết thu nhập cho tổ chức cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Người nông dân là người mua tiêu dùng cuối cùng thì họ phải nộp thuế theo đúng luật, bởi rõ ràng, nhờ có phân bón mới giúp cây trồng tăng năng suất. Nông dân có tham gia sản phẩm của mình vào thị trường thì họ phải đóng thuế.
Thứ hai, trong nguyên tắc của thuế, phạm vi điều tiết rộng. Nông dân là người sử dụng phân bón, thì đương nhiên nông dân phải là người được hưởng sự điều tiết này. Việc này giúp bớt đi nỗi lo của nông dân.
Thứ ba, nông nghiệp là ‘thước đo’ độ bền của quốc gia, muốn cho nông nghiệp và doanh nghiệp phát triển bền vững thì điều tiết của nhà nước phải đủ lớn và phải bền vững. Trong khi đó, phân bón vừa là tác nhân giúp làm tăng năng suất nhưng cũng là tác nhân gây ô nhiễm đất và gây phát thải khí nhà kính.
Ông Trần Văn Chiến – Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Trường Khương A chăm sóc vườn vú sữa. (Ảnh Nguyễn Chương) |
“Núi cao thì phải có đất ở dưới”. Đối với nông nghiệp, phát triển bền vững là phải đầu tư cho những nơi thấp nhất. Đó là đất, là nước, là người nông dân. Rõ ràng, chúng ta không đầu tư cho những nơi thấp nhất thì cũng sẽ không thể nói đến đỉnh cao. Và vì vậy, chúng ta cần nhìn nông nghiệp với ‘tình yêu’ đủ lớn.
Đồng ý với quan điểm áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhà nước phải cam kết điều tiết trở lại, ít nhất là xấp xỉ hoặc bằng 5% để nông nghiệp phát triển bền vững.
Câu hỏi điều tiết bằng cách nào? Tôi cho rằng, chúng ta có thể tập trung vào 4 việc sau. Thứ nhất, cải tạo đất bởi đất là sức khỏe của cây. Tuy nhiên, việc này thời gian qua chưa được quan tâm thấu đáo. Ngành Nông nghiệp đổ cho ngành Tài Nguyên và Môi trường và ngược lại, việc này dẫn đến cải tạo đất là khâu yếu nhất trong tài nguyên sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã sử dụng phân bón hữu cơ. Hội nông dân tại Ninh Bình, Nghệ An,… đang triển khai rất nhiều về phân bón hữu cơ. Việc này vừa giúp cải tạo đất, đảm bảo sức khỏe cho cây trồng, tận dụng hệ sinh thái từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, tạo cánh kéo cho nông sản vùng miền.
Thứ ba, hỗ trợ cho công tác đào tạo và huấn luyện nông dân.
Thứ tư, hỗ trợ cho sản xuất xanh và tăng trưởng xanh theo vùng để giảm phát thải khí nhà kính.
Theo nguyên tắc của cơ chế thị trường, khi nông nghiệp tăng trưởng 1% thì chúng ta phải đầu tư trở lại 4% thì mới đảm bảo cân bằng, nếu không sẽ “chém” vào môi trường. Nông nghiệp Việt Nam bình quân trong 10 năm qua tăng trưởng 3,5-3,8%, khi đó, chúng ta phải đầu tư trở lại cho nông nghiệp từ 12-15,2%, nhưng thực tế, nhiều năm qua, đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp mới chỉ dừng ở con số 8,8%, như vậy, mới đáp ứng được 2/3, còn lại nông dân phải tự bỏ ra. Đây là những cái mà nhà nước đang ‘nợ’ nông dân. Nếu không đầu tư đúng thì môi trường bị phá hủy.
Nhìn sang Nhật Bản, chỉ có 2 triệu nông dân, tăng trưởng nông nghiệp chỉ 1,6% nhưng họ đầu tư trở lại cho nông nghiệp cao gấp 7 lần như vậy. Nông nghiệp phải khẳng định đó là thước đo, muốn nông nghiệp phát triển bền vững thì sự điều tiết của Nhà nước phải đủ lớn và bền vững.
Do đó, tôi cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục khảo sát làm rõ tính khoa học và tác động của chính sách bảo đảm lợi ích hài hòa. Mức thuế VAT 5% là cơ sở bảo đảm lâu dài cho phát triển nông nghiệp, nhưng bắt buộc phải điều tiết được nguồn thu ngân sách tới người nông dân, để chính sách không chỉ là "quả thị" chỉ có thể ngửi mà không có tác động thiết thực.
Xin cám ơn ông!
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Chính sách không phải một cơn mưa rào, ai cũng được thụ hưởng, mà có chỗ mưa chỗ không. Không thể cực đoan nghiêng về bảo vệ một thành phần kinh tế mà thiếu đi tính khoa học, cho nên vấn đề hài hòa lợi ích là quan trọng nhất. Nhất là khi phân bón chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn trong canh tác, có tác động nhiều đến chuỗi giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. |
Thuế VAT với mặt hàng phân bón: Bài cuối - Những tiếng nói bắt nguồn từ thực tiễn