Nguồn nhân lực - vấn đề cấp bách trong phục hồi, phát triển du lịch Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương mở rộng đào tạo nhân lực du lịch cho Việt Nam |
Du lịch chưa bứt phá do nhân lực hạn chế
Trên đường đua khốc liệt giành thị phần du lịch sau đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dù đã có tăng trưởng song chưa thực sự như kỳ vọng. Bởi nếu so với các quốc gia khác như Thái Lan, Singapore… thì nhiều chính sách kích cầu du lịch của Việt Nam vẫn chưa đủ tạo sức hút.
Thông tin về vấn đề này, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành du lịch: Hiện trạng và giải pháp” do Trường Đại học Sài Gòn tổ chức ngày 28/10, PGS.TS Vũ Công Thương - Giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị Trường Đại học Sài Gòn- cho biết, hạn chế lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển du lịch chưa đột phá; chiến lược thị trường chưa linh hoạt, sản phẩm du lịch không đa dạng. Bên cạnh đó còn do các dịch vụ chưa kết nối để tạo thành hệ sinh thái kinh tế du lịch; hệ thống hạ tầng còn thiếu, không đồng bộ; chính sách thị thực cũng được đánh giá chưa hợp lý, thời gian lưu trú ngắn…
Cũng theo PGS.TS Vũ Công Thương, ngoài những hạn chế trên còn do sự phối hợp liên ngành, liên vùng hiệu quả còn thấp; đầu tư còn dàn trải, chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch. Thêm vào đó, vấn đề an ninh, an toàn cho khách du lịch vẫn chưa được đảm bảo.
Điều mấu chốt của những vấn đề này được PGS.TS Vũ Công Thương chỉ ra: Tất cả đều xuất phát từ việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức; vai trò quản lý, năng lực đội ngũ làm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khách quốc tế tham quan và mua sắm các sản phẩm du lịch của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Cần giải pháp đồng bộ
Đề cập đến giải pháp xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngành du lịch tại các cơ sở lưu trú thuộc sở hữu Nhà nước, TS. Nguyễn Đường Giang - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tổng công ty Saigontourist cho rằng, các cơ sở cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực riêng cho cơ sở mình. Đào tạo gắn với các tình huống thực tế song hành với tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng. Tổ chức đào tạo và đào tạo lại theo hướng tập trung khuyến khích người lao động chủ động. Cải thiện chế độ đãi ngộ, xây dựng chính sách đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Dưới góc nhìn của nhà đào tạo, các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, để giải quyết thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cần tập trung giải quyết cụ thể theo từng đơn vị chuyên môn.
Đơn cử với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước đồng thời cũng là nơi phát triển du lịch sôi động nhất cả nước, theo các chuyên gia này, cần căn cứ Đề án chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030 cũng như xu hướng phát triển du lịch trên thế giới. Qua đó, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng năm, từng giai đoạn gắn với những chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới; tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch; bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người kinh doanh thương mại, tiểu thương tại các chợ, cộng đồng dân cư...
Riêng đối với các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách hỗ trợ sinh viên, giảng viên trong việc khảo sát và thực tập tại đơn vị; xây dựng chính sách liên kết và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố, đóng góp xây dựng cải tiến chương trình đào tạo; khuyến khích lao động tại đơn vị tham gia các sự kiện và hội thi của ngành, học tập nâng cao trình độ; tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập tại các cơ sở đào tạo.
Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh liên kết - hợp tác trong đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tiêu chuẩn hoá nhân lực du lịch, áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo nhân lực du lịch.