Thứ ba 26/11/2024 17:57

Tiêu thụ điện ở TP. Hồ Chí Minh lại phá kỷ lục

Trung tâm điều độ hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng điện tiêu thụ của thành phố (TP) trong tuần từ ngày 10-16/5/2021 đạt mức kỷ lục mới với 602 triệu kwh/tuần.

Tiêu thụ điện đạt mức kỷ lục

Từ cuối tháng 4 đến nay, tiêu thụ điện tại TP. Hồ Chí Minh liên tiếp phá kỷ lục. Cụ thể, trong các ngày 11, 12 và 14/5, lượng điện tiêu thụ của TP lần lượt là 90,32 triệu kwh, 90,27 triệu kwh và 90,69 triệu kwh. Đây là lượng điện tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay và vượt mức kỷ lục 90,038 triệu kwh được lập vào ngày 24/4/2019.

Biểu đồ 1: Lượng điện tiêu thụ bình quân 1 ngày và ngày cao nhất tính đến 16/5/2021

Lượng điện tiêu thụ tính theo tuần từ ngày 10-16/5 đạt 602,34 triệu kwh, cũng là mốc kỷ lục mới và bằng 153% so với bình quân tuần trong tháng 2/2021. Bên cạnh đó, lượng điện tiêu thụ bình quân 1 ngày của các tháng 3, 4, 5 vượt 40 - 46% so với tháng 2.

Việc tiêu thụ điện tăng cao với các mốc kỷ lục là lý do chính khiến tiền điện các kỳ tháng 4, tháng 5 tăng cao so với kỳ tháng 3 (tiêu thụ trong tháng 2). Mặt khác, việc gia tăng tiêu thụ điện tương ứng với nhiệt độ mùa nắng nóng (biểu đổ 2) khi khách hàng sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng.

Bên cạnh đó là yếu tố nhảy bậc theo biểu giá điện hiện hành do Bộ Công Thương ban hành theo QĐ 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 cũng làm cho tiền điện càng tăng cao, nhất là các trường hợp tiêu thụ từ dưới 200 kwh/tháng tăng lên trên 200 kwh/tháng ứng với các bậc 4 - 6 có mức tăng trên 150% so với bậc 1.

Máy lạnh có thể làm điện năng tiêu thụ tăng trên 200%

Giải đáp câu hỏi vì sao máy lạnh lại tốn điện hơn vào mùa nóng, TS. Đinh Hoàng Bách - Khoa điện – Điện tử (trường Đại học Tôn Đức Thắng) dẫn chứng, Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng mô hình đối chứng thí nghiệm về hoạt động của máy điều hòa trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Mô hình gồm 2 phòng có kích thước như nhau, gắn máy lạnh 1HP inverter như nhau, có hệ thống đo lường và giám sát được thiết lập theo chuẩn Smart factory, 1 phòng có cục nóng đặt trong môi trường tự nhiên và 1 phòng đối chứng có cục nóng đặt trong môi trường có nhiệt độ cài đặt khác nhau.

Biểu đồ 2: Lượng điện tiêu thụ tăng tương ứng với mức tăng nhiệt độ mùa nắng nóng

Thực nghiệm sau 8 giờ sử dụng máy lạnh cho thấy, cùng cài đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20oC, nếu nhiệt độ môi trường là 30oC thì điện năng tiêu thụ là 6,46 kwh. Khi nhiệt độ môi trường là 35oC và 40oC thì lượng điện tiêu thụ tương ứng là, 8,51 kwh (tăng 31,7%) và 10,72 kwh (tăng 65,8%). Kết quả cho thấy, nhiệt độ môi trường càng cao thì máy lạnh càng tiêu tốn điện năng nhiều hơn.

Trường hợp nhiệt độ môi trường là 35oC, nếu đặt nhiệt độ máy lạnh ở 20oC thì điện năng tiêu thụ là 8,51 kwh, tăng 139,64% so với khi đặt nhiệt độ máy lạnh ở 26oC có mức điện năng tiêu thụ là 3,55 kwh. Kết quả cho thấy, nếu duy trì độ lạnh sâu 20oC thì điện năng tiêu thụ tăng rất nhiều so với duy trì ở mức 26oC.

Cũng từ thực nghiệm này cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời 30oC như các tháng mát trời và máy lạnh cài đặt ở 26oC theo các khuyến cáo thì điện năng tiêu thụ là 2,3 kwh. Khi nhiệt độ môi trường 35oC như những ngày nắng nóng và máy lạnh cài đặt ở 20oC như thói quen của nhiều người thì điện năng tiêu thụ tăng lên 8,51 kwh, mức tăng lên đến 369,44%.

"Trong những ngày nắng nóng, người dân sử dụng máy điều hòa với thời gian nhiều hơn và có xu hướng cài đặt nhiệt độ thấp để làm phòng mát nhanh hơn, tránh cái nóng của môi trường. Cộng với nhiệt độ môi trường cao đã tác động trực tiếp đến dàn nóng, khiến máy lạnh hoạt động cao hơn nên lượng điện năng tiêu thụ gia tăng rất lớn. Điều này cũng xảy ra đối với tủ lạnh, tuy nhiên công suất thấp hơn nên mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn" – TS. Đinh Hoàng Bách cho biết.

Ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đánh giá, kết quả thực nghiệm trên mô hình đối chứng đã giúp hiểu rõ hơn nguyên nhân vì sao số lượng thiết bị điện trong gia đình không thay đổi hoặc thời gian sử dụng không đổi nhưng trong mùa nắng nóng lượng điện năng tiêu thụ lại tăng cao.

Thức tế cho thấy, máy lạnh là thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình. Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Khi thời tiết nắng nóng 35-40oC, nhiều người có thói quen cài đặt máy lạnh tối đa 18oC thì mức tiêu thụ điện của máy lạnh có thể tăng lên đến 400% so với những ngày nhiệt độ ở mức trung bình và cài máy lạnh ở mức 26oC. “Điều đó dẫn đến tổng lượng điện năng tiêu thụ có thể tăng trên 200% so với các tháng trước đó, do đó làm tăng tiền điện của hộ gia đình. Vì thế, chúng tôi luôn khuyến cáo cài đặt máy lạnh ở 26oC để vừa đủ mát, vừa giúp tiết kiệm điện và chi phí tiền điện” ông Bùi Trung Kiên chia sẻ.

Hơn 1 triệu khách hàng tải App để theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ

Để hỗ trợ khách hàng thuận lợi trong việc dõi lượng điện tiêu thụ, chủ động điều tiết sử dụng điện hợp lý, EVNHCMC đã phát triển ứng dụng (App) EVNHCMC CSKH cài đặt trên điện thoại di động. Ứng dụng có tính năng theo dõi lượng điện tiêu thụ hàng ngày (nếu đã gắn công tơ đo xa) hoặc hàng tháng (nếu chưa gắn công tơ đo xa) để có sự điều chỉnh hợp lý trong quá trình sử dụng điện. Đến nay, đã có hơn 1 triệu khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH.

Khách hàng có thể tải và cài đặt ứng dụng “EVNHCMC CSKH” từ kho ứng dụng App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Sau khi cài đặt, ngoài việc theo dõi lượng điện năng tiêu thụ hàng ngày hoặc hàng tháng, khách hàng có thể báo sự cố hoặc thực hiện các dịch vụ điện trực tuyến thông qua ứng dụng thay vì đến trụ sở điện lực hay gọi tổng đài. Khách hàng cũng có thể truy cập trang web Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC để thực hiện tất cả các dịch vụ nói trên.

Minh Khuê

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Bắc Giang: Triển khai chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Những quyết sách 'mở đường' cho Petrovietnam vươn mình

Bộ Công Thương triển khai các Nghị định thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

5 trụ cột giúp Việt Nam chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine