Thứ năm 26/12/2024 00:57

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật ưu đãi đầu tư

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất có ý kiến về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi đầu tư.

Đánh giá về thực trạng chính sách, pháp luật và thực hiện ưu đãi đầu tư trong những năm vừa qua, VCCI cho rằng, đến nay đã không còn sự phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh các hình thức ưu đãi quen thuộc được áp dụng như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế xuất nhập khẩu… còn có các hình thức khác như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, hỗ trợ chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư hạ tầng, hỗ trợ lãi suất, trợ giá, bao tiêu sản phẩm đối với một số ngành khó thu hút đầu tư…

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, các quy định về ưu đãi đầu tư còn nằm rải rác trong hệ thống pháp luật về đầu tư, pháp luật về thuế và trong pháp luật của nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác. Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư cần tiếp tục xem xét để hoàn thiện hơn theo hướng công bằng, minh bạch, cụ thể, rõ ràng.

Chính sách ưu đãi đầu tư không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Ảnh minh họa

Theo VCCI, đối với các doanh nghiệp đầu tư trong một ngành, lĩnh vực, thực tiễn cho thấy các quy định quản lý ngành ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hơn là các quy định về ưu đãi đầu tư. Do đó, để thu hút đầu tư vào một ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư thì trước tiên phải tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư gia nhập ngành thông qua việc dỡ bỏ các rào cản, minh bạch hoá các thông tin về chính sách, pháp luật, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng..., trước khi phải sử dụng đến biện pháp ưu đãi đầu tư.

Khi xây dựng các chính sách, pháp luật về ưu đãi đầu tư, cần phải đánh giá cả tác động tích cực và tác động tiêu cực theo phương pháp định lượng. VCCI cho biết, trong thời gian vừa qua, có tình trạng các cơ quan đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư chỉ tập trung vào việc giải trình những tác động tích cực, còn các tác động tiêu cực đến ngân sách, giảm đầu tư ở nơi khác, hoặc tác động tiêu cực về môi trường, về vấn đề cạnh tranh… thì không được đề cập đến. VCCI kiến nghị, cần đặt ra nguyên tắc khi đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, nếu cơ quan đề xuất không thể hiện đầy đủ và rõ nét được các tác động tiêu cực thì những đề xuất đó cần phải hạn chế tiến hành thẩm định, thẩm tra và thông qua.

Thực tế cũng cho thấy, một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành nhưng không quy định hoặc quy định không minh bạch về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi đầu tư. Điều này đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc khi xin xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Thậm chí, VCCI phản ánh, có trường hợp chính sách về ưu đãi đầu tư trao quyền “tùy nghi” quá lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác nhận, tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực, doanh nghiệp đã phải chung chi để được xác nhận đủ điều kiện ưu đãi. Kết quả là, chính sách ưu đãi không phát huy được tác dụng, làm nản lòng những doanh nghiệp muốn đầu tư vào những lĩnh vực cần khuyến khích. Do vậy, VCCI cho rằng, khi xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về ưu đãi đầu tư cần bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về điều kiện, tiêu chí, thủ tục được hưởng ưu đãi.

Ưu đãi đầu tư được coi là biện pháp “mồi” nhằm tạo lập, thu hút nhà đầu tư trong một giai đoạn nhất định. VCCI cho rằng, sau một thời gian, nếu lĩnh vực, địa bàn đó đã có làn sóng đầu tư tốt, thì cần giảm bớt chính sách ưu đãi, nếu lĩnh không có nhiều nhà đầu tư có nghĩa là biện pháp ưu đãi đó không hiệu quả, cần nâng cấp hoặc điều chỉnh thay đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Hiện nay, có tình trạng tách biệt giữa xây dựng chính sách, pháp luật về ưu đãi đầu tư với việc xây dựng kế hoạch ngân sách. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dàn trải, lãng phí, gây xói mòn cơ sở thu ngân sách, dẫn đến việc Nhà nước buộc phải tăng thu từ những nguồn khác, gây phản ứng trong xã hội. Do vậy, theo VCCI, có thể tính đến giải pháp đưa những nội dung mang tính nguyên tắc về tổng chi/giảm thu khi đưa ra ưu đãi đầu tư vào trong dự toán ngân sách, theo đó, các chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể không được phép vượt quá nguyên tắc đề ra./.

Ngọc Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc chủ động đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 73,5% kế hoạch

Thu ngân sách nhà nước 11 tháng tăng 16,1%

Hơn 31,8 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 11 tháng

Nâng cao chất lượng quản trị, ''chìa khóa'' tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư

Khơi thông hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động M&A

Quản trị công ty - 'thước đo' năng lực của doanh nghiệp

Kỳ vọng thị trường M&A được kích hoạt mạnh mẽ trong năm 2025

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Nguồn lực tư nhân đóng góp quan trọng phát triển hạ tầng giao thông

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

5 triệu USD thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài

Dự báo một năm thành công của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài