Biểu giá điện bậc thang phải đảm bảo giá bình quân Biểu giá bán lẻ điện mới: Không làm tăng giá điện |
Những chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cho biết, điện lực là một lĩnh vực quan trọng đối với đất nước, có ảnh hưởng tới tất cả các mặt, lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển lĩnh vực điện lực. Nhờ đó ngành điện đã có sức phát triển nhanh chóng, cả nguồn và lưới điện, chất lượng điện, an toàn đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 |
Với nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, trong khi nhiều dự án điện trong quy hoạch điện VII bị chậm tiến độ, nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện gặp khó khăn thì việc cung cấp điện sẽ gặp khó khăn thách thức trong việc cung cấp điện giai đoạn tới. Do đó cần nhìn nhận, đánh giá lại để đưa ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là mục đích của phiên giải trình này, để làm rõ hơn các nhóm vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề thể chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) chủ trì phiên giải trình |
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu 6 kết quả của ngành điện Việt Nam. Cụ thể, trong 10 năm, ngành điện đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh). Sản lượng điện thương phẩm đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011-2019 là 10,5%/năm.
Hạ tầng cung cấp điện được đầu tư bài bản phát huy hiệu quả. Trong đó, giai đoạn 2011-2015, ngành điện đã đưa vào vận hành khoảng 17 GW nguồn điện, đạt hơn 81% khối lượng được giao theo quy hoạch điện Quốc gia (QHĐ) VII; Giai đoạn 2016-2020, việc đầu tư nguồn điện được thực hiện theo QHĐVII điều chỉnh. Đặc biệt với cơ chế khuyến khích của Chính phủ, công suất nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh đạt trên 5.000 MW, tuy nhiên, các nguồn điện truyền thống (than, khí, thủy điện - chủ yếu là nhiệt điện than) bị chậm tiến độ, chỉ đạt khoảng 60% (chậm 7.000 MW) so với khối lượng quy hoạch VII điều chỉnh.
Như vậy tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng gần 54.880 MW. Hệ thống lưới truyền tải được đầu tư với khối lượng lớn, đáp ứng tốt yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống.
Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Về lưới điện, nhờ những nỗ lực đầu tư, đến cuối năm 2019, tổng chiều dài đường dây 500 kV là 8.496 km tăng 2,2 lần so với năm 2010 (3.890 km), chiều dài đường dây 220-110 kV tăng 1,9 lần so với năm 2010 (từ 23.156 km lên 43.174 km); Dung lượng trạm biến áp 500 kV tăng 2,84 lần (từ 12.000 MVA lên 34.050 MVA), dung lượng trạm biến áp 220-110 kV tăng 2,82 lần (từ 48.833 MVA lên 137.850 MVA). Các công trình lưới điện đưa vào vận hành đã nâng cao năng lực truyền tải, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải và cải thiện chất lượng điện năng.
Bên cạnh đó, công tác giảm tổn thất, tiết kiệm điện năng đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Qua đó đã giúp giảm từ mức 12,23% năm 2003 xuống còn 10,15% vào năm 2010 và đến năm 2019 giảm còn 6,5%, vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm bằng 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.
Thị trường điện cạnh tranh đảm bảo đúng lộ trình, có chuyển biến tích cực. Tính đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1) hoàn chỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định và tin cậy. Góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống, từng bước tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư, các thành viên tham gia thị trường điện.
Đến cuối năm 2019, 94 nhà máy điện với tổng công suất 26.126 MW (chiếm 47,5% tổng công suất toàn hệ thống) trực tiếp tham gia thị trường điện.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2) đã được vận hành thử nghiệm từ 2017-2018 và vận hành chính thức từ 01 tháng 01 năm 2019. Hiện Bộ Công Thương đang chủ động, tích cực triển khai đề án thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo 03 giai đoạn….
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Đảm bảo sự phát triển bền vững
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện quy hoạch, phát triển ngành điện vẫn còn những tồn tại như nguồn cung điện vẫn gặp rủi ro, nhiều dự án nguồn và lưới điện gặp khó khăn về vốn, về đền bù giải phóng mặt bằng…
Trên cơ sở chỉ rõ nguyên nhân, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp như: Bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG; tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; có các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nhanh điện khí LNG dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; (iv) bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; (v) tăng cường hợp tác, xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực để đảm bảo an ninh cung cấp điện; (vi) xây dựng lưới điện thông minh để đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt, tích hợp được với tỷ lệ lớn các nguồn năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm. "Chúng tôi thấy tiếc khi chưa giảm được giá điện, nhưng chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây, khi hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự hoàn toàn minh bạch, công khai. Lúc đó sẽ được đảm bảo các yếu tố của thị trường, giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường" - Bộ trưởng nói.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cung cấp thêm thông tin và trả lời chất vấn của các đại biểu tham dự, liên quan đến các vấn đề về thực trạng, triển khai quy hoạch điện VII và định hướng giai đoạn 2021-2030; vai trò của nhiệt điện than; các cơ chế phát triển điện năng lượng tái tạo, giá điện bán lẻ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Không để bị động nguồn cung năng lượng
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, cần đề cập đến vấn đề năng lượng nói chung, và điện nói riêng theo góc nhìn rộng hơn, đầy đủ, toàn diện hơn trong bối cảnh thế giới thay đổi hàng ngày.
Những kết quả, thành tựu to lớn của ngành điện thời gian qua với quy mô đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 27 thế giới. Ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của nhân dân, đóng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Có được kết qủa này, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, còn có vai trò, đóng góp của Bộ Công Thương.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quy hoạch điện VII chưa đạt được mục tiêu do nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, vốn vay, công tác phối hợp giữa các bộ ngành, nhiều địa phương không ủng hộ nhiệt điện than (trước đây ủng hộ nhiệt điện than, gần đây ủng hộ điện khí, điện mặt trời); Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chồng chéo, quản lý nhà nước còn hạn chế…
Về cơ chế giá điện, Phó Chủ tịch cho rằng cần thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch. Thị trường là động lực của phát triển. Theo nhiều ý kiến, giá điện thấp sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ lạc hậu, không đảm bảo môi trường vào Việt Nam, gây gánh nặng cho xã hội. Mặt khác không khuyến khích được nhà đầu tư vào ngành điện.
Trong vấn đề môi trường, Phó Chủ tịch lưu ý đến chuyển đổi rừng trong các dự án điện, việc xử lý những tấm PIN sau khi hết thời hạn sử dụng..
Để đáp ứng yêu cầu về điện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Phải quán triệt năng lượng phải đi trước 1 bước, tạo “bánh mì” cho công nghiệp sản xuất. Cần đổi mới tư duy, theo cơ chế thị trường nhưng đảm bảo có sự điều tiết của Nhà nước. Không để lợi ích cục bộ của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối.
Trong giai đoạn tới, cần có cơ cấu nguồn hợp lý, trong đó có nhiệt điện than, không để bị động trong nguồn cung năng lượng. Đồng thời tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống truyền tải, để giải toả công suất nhà máy điện một cách kịp thời.