Tiến hành rà soát công tác đầu tư, lắp đặt ĐMTMN nối lưới sau năm 2020
Như Báo Công Thương đã đưa tin, trước đó Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc kiểm tra, rà soát, xử lý và cung cấp thông tin việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) sau năm 2020.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao đã cho Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN để tự sử dụng, tự sản tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Sau nghỉ lễ 2/9 sẽ tiến hành rà soát công tác đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới sau năm 2020 |
Để đảm bảo việc nghiên cứu, xây dựng chính sách về phát triển ĐMTMN trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và EVN căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm đối với việc đầu tư, lắp đặt ĐMTMN có sự liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay.
Đồng thời, phải tổng hợp, báo cáo tình hình đầu tư, lắp đặt ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia từ sau năm 2020 đến nay. Báo cáo gửi về Bộ Công thương trước ngày 18/9/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trước tình hình phát triển "nóng" điện mặt trời giai đoạn 2019-2020 cho đến nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần yêu cầu xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, nhất là tình trạng lắp điện mặt trời mái nhà trên đất nông nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã lập đoàn kiểm tra tại 10 đơn vị điện lực trên cả nước, qua đó nhiều sai phạm trong quá trình lắp đặt cũng đã được các đoàn thanh tra chỉ ra.
Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai có 2 khách hàng sai phạm về thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN vượt quá thời hạn quy định của Bộ Công Thương.
Ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công thương.
Tại Công ty Điện lực Bình Dương: Thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu.
Tại Công ty Điện lực Bình Phước: Vi phạm về thời gian trả lời, giải quyết chưa đúng quy định đối với 5 khách hàng; thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu đối với 3 khách hàng.
Kết quả kiểm tra chỉ rõ, thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, công tác kiểm tra cũng phát hiện việc thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện không đúng đối tượng là hệ thống ĐMTMN.
Ngoài ra, còn có sai phạm trong việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định tại nhiều công ty điện lực…