CôngThương - Đó là hệ lụy của những thông tin chưa chính xác về cá điêu hồng nuôi bè.
Mặc dù thông tin cá điêu hồng nuôi bè có nguồn gốc từ Đồng Tháp và Tiền Giang bị nhiễm Trifluralin đã được nhiều cơ quan chức năng khẳng định là chưa có đủ cơ sở khoa học; tỷ lệ mẫu nhiễm, hàm lượng Trifluralin trong mẫu nhiễm rất thấp và là thông tin đã cũ, nhưng những khó khăn để lại từ đó là rất lớn.
Người nuôi cá điêu hồng vẫn khó
Theo nhiều người nuôi cá tại phường Tân Long, xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho (Tiền Giang), hiện nay giá cá điêu hồng đã tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với tuần trước với mức giá được các thương lái mua tại bè khoảng 25.000 - 26.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí nuôi cá mà người nuôi bỏ ra nên người cá vẫn đang trong tình trạng hết sức khó khăn.
Theo ông Trần Công Quốc, ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, chi phí nuôi cá điêu hồng hiện nay khoảng 28.000-28.500 đồng/kg nên người nuôi cá lỗ 3.000-3.500 đồng/kg. Với năng suất mỗi bè bình quân khoảng 7 tấn cá, thì người nuôi lỗ gần 25 triệu đồng mỗi bè.
Ông Quốc cho biết, 100% các cơ sở nuôi cá bè ở đây không sử dụng các chất cấm. Từ hồi nuôi cá bè từ năm 2003 tới nay, ông cũng chưa biết Trifluralin là chất như thế nào, nói chi đến việc sử dụng. Riêng tại bè của ông Quốc chỉ sử dụng thuốc tím (KMnO4) để tắm cá.
Giá cá điêu hồng bình thường đã không ổn định, nay lại vướng thêm tin đồn cá nhiễm chất cấm, thị trường khó tiêu thụ khiến nhiều chủ bè nản lòng. “Nhận thấy thị trường cá điêu hồng quá bấp bênh nên tôi đã bán 2 bè, hiện chỉ còn 16 bè. Dự kiến, bán xong đợt cá này, tôi sẽ thu nhỏ mô hình nuôi lại còn khoảng 10-12 bè”, ông Quốc ngậm ngùi nói.
Ông Nguyễn Văn Ru, ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho nói như đinh đóng cột: “Bán xong đợt cá này, tôi bán bè lên bờ. Năm 2004, tôi đóng 15 bè composite này với giá 560 triệu đồng (khoảng 100 cây vàng), giờ đang kêu bán hết dàn bè này với giá 150 triệu đồng”.
Khó khăn càng tăng thêm gấp bội đối với những bè cá tới cỡ thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ loài cá này rất chậm. Ông Huỳnh Hữu Tài, xã Thới Sơn, Tp Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, hiện nay ông có 10 bè tới thời điểm thu hoạch với hơn 60 tấn cá điêu hồng sẵn sàng xuất bán với giá trị gần 1,5 tỷ đồng nhưng kêu thương lái thì họ cứ hẹn lần hẹn lượt. Vì thế, ông Tài đành phải tiếp tục mua thức ăn duy trì đàn cá hàng ngày khoảng 10 triệu đồng để chờ thương lái đến bắt cá.
Tăng cường kiểm soát cá điêu hồng nuôi bè
Để tăng cường kiểm soát chất lượng cá điêu hồng trước khi xuất bán ra thị trường cũng như tăng cường việc kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong nuôi cá điêu hồng trên bè, ngày 9/5/, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an Kinh tế tỉnh Tiền Giang vừa kết thúc đợt kiểm tra việc sử dụng Trifluralin đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, cơ sở nuôi cá điêu hồng trên bè, đồng thời lấy 12 mẫu cá giống, cá điêu hồng thịt và mẫu nước để kiểm tra dư lượng Trifluralin và xác định nguyên nhân trong trường hợp các mẫu kiểm tra phát hiện có chất cấm.
Qua đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra cho biết, người nuôi cá điêu hồng chỉ sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Kết thúc đợt kiểm tra, không phát hiện cơ sở nuôi cá bè nào sử dụng hóa chất Trifluralin trong bất kỳ hoạt động nào trên bè cá. Hiện các mẫu nước và cá đã được đoàn kiểm tra gửi phòng kiểm nghiệm phân tích dư lượng Trifluralin và đang chờ kết quả để có khẳng định mới nhất về chất lượng cá điêu hồng nuôi bè Tiền Giang.
Trước đó, ngay khi có thông tin cá điêu hồng nhiễm Trifluralin, Chi cục Thủy sản Tiền Giang phối hợp với Chi cục Thú y, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiểm tra việc kinh doanh hóa chất, thức ăn trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các đại lý kinh doanh hóa chất phục vụ làng bè nuôi cá điêu hồng. Kết quả, tất cả các cơ sở đều có ý thức rất tốt trong việc không sử dụng các chất cấm theo quy định của pháp luật và đoàn kiểm tra cũng không phát hiện cơ sở nào bán các loại hóa chất xử lý môi trường nước nuôi bè có thành phần Trifluralin.
Ông Cao Văn Hóa- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho biết, suốt từ năm 2010 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã thường xuyên kiểm tra chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có việc lấy mẫu kiểm tra dư lượng Trifluralin trên cá điêu hồng nhưng đến nay chưa phát hiện mẫu cá điêu hồng nào nhiễm loại chất cấm này.
Để khẳng định một lần nữa chất lượng cá điêu hồng nuôi bè Tiền Giang, ông Hóa đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã cam kết, Sở sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng cá điêu hồng cung ứng cho thị trường.