Sau đợt “lũ chồng lũ”, nhìn thấy cảnh các trường ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… tan hoang, hư hỏng; học sinh thiếu thốn sau lũ không ai không khỏi xót xa. Theo tính toán sơ bộ, toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình thiệt hại 370 tỷ đồng; nhiều địa phương khác ở miền Trung, ngành giáo dục cũng thiệt hại hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Gia đình, phụ huynh học sinh vùng lũ nhiều người đã bị lũ cuốn trôi, nhà sụp đổ, hư hỏng, ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các em.
Cảnh ngập lụt tại Trường mầm non Phú Tân (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) |
Cô Nguyễn Thị Hằng Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) - đến nay vẫn còn bần thần khi điểm trường Ngô Bắc (thuộc Trường mầm non Sơn Thủy) bị lũ nhấn chìm trên 3m. Sau lũ, gần như mọi thiết bị trong trường bị lũ cuốn trôi, trường hư hỏng nặng, thiệt hại hơn một tỷ đồng, giờ chưa thể dạy học lại. Cô lo lắng không biết khi nào học sinh mới đi học tại điểm trường này trở lại. Còn đưa các em lên trường trung tâm xã Sơn Thủy học thì quá xa, đường đi chông gai, phụ huynh các em không thể đưa đến trường khi phải chạy ăn từng bữa. Niềm mong ước của cô là có các cá nhân, đơn vị hỗ trợ để sớm sửa trường, mua sắm trang thiết bị để đưa các em đi học trở lại.
Trong đợt lũ vừa qua, Trường THCS Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nước lũ đã gần như nhấn chìm hoàn toàn tầng 01 làm cho các tài sản bên trong các phòng tầng 1 đã hư hỏng hoàn toàn, hệ thống cửa tầng 1 đã bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng, hệ thống điện đã hỏng hoàn toàn, mái nhà và nền nhà đã sập và sụt lún phần lớn diện tích. Nhà trường cần tu sửa khẩn cấp một số hạng mục để đảm bảo cho quá trình dạy học diễn ra bình thường. Thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng. Giờ đây, trường muốn khắc phục để đảm bảo cho việc học sinh đi học cần kinh phí 630 triệu đồng. Trường cũng loay hoay chưa biết tìm từ nguồn nào, chỉ biết chờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các mạnh thường quân.
Tại Quảng Bình, có nhiều điểm trường bị trôi sập, hư hỏng nặng sau lũ. Như điểm trường Bản Đoòng (thuộc Trường tiểu học - THCS Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, 12 hộ gia đình, 17 học sinh và 4 giáo viên cắm bản. Trong hai đợt lũ vừa rồi, bản Đoòng bị chìm ngập trong lũ nhiều ngày nên điểm trường học, nhà ở của dân bản cùng với các cơ sở vật chất khác bị lũ cuốn trôi.
Hiện tại, điểm trường bản Đoòng chưa thể dạy học vì chưa xin được kinh phí để xây dựng lại điểm trường cho học sinh học tập. Thầy Trần Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Tân Trạch - cho biết, giờ trường mong muốn xây dựng lại điểm trường Bản Đoòng với kinh phí gần 500 triệu đồng, nhưng “lực bất tòng tâm”. Rất mong các nhà hảo tâm hỗ trợ để con em bản Đòng được đến trường trở lại.
Tại Quảng Bình, có nhiều điểm trường bị trôi sập, hư hỏng nặng sau lũ |
Bản Đoòng bị chìm ngập trong lũ nhiều ngày nên điểm trường học, nhà ở của dân bản cùng với các cơ sở vật chất khác bị lũ cuốn trôi |
Tại Trường mầm non Hướng Việt (xã Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị, địa điểm xảy ra những vụ sạt lở kinh hoàng khiến gần 30 chiến sĩ, người dân hy sinh, tử nạn do sạt lở) là một xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong tháng 10/2020 những cơn bão, mưa lũ kinh hoàng liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại rất lớn đối với Trường mầm non Hướng Việt. Chỉ sau một đêm, cả khu vui chơi của trẻ được UBND xã đầu tư với giá trị gần 200 triệu đồng bị ngập chìm với bùn đất,các đồ dùng, trang thiết bị hư hỏng hết. Kinh phí để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị theo dự toán hơn 1,4 tỷ đồng, giờ không biết phải làm sao.
Hay như Trường tiểu học Vĩnh Lâm (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) là địa bàn vùng trũng, tháng 10 vừa qua “lũ chồng lũ” khiến trường thiệt hại nặng nề. Trường bị ngập sâu, trang thiết bị hư hỏng, với 12 phòng học bị ngập từ 1m- 3m, trong đó 4 phòng học cấp 4. Với thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. “Nhu cầu của trường giờ đang cần 10 bộ máy vi tính, hệ thống âm thanh và trang thiết bị để phục vụ cho các em học sinh đi học trở lại. Đặc biệt, dãy 4 phòng học cấp 4 giờ không thể học được, cần phải xây mới vì hiện nay không đủ phòng cho học sinh”, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng cầu cứu.
Tại Trường mầm non Phong Bình 2 (thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đợt 1 ngập 1,8m, đợt 2 ngập 2m, đồ dùng bếp hư hỏng; đồ dùng, đồ chơi ngoài trời hư hỏng; 2 phòng vệ sinh hư hỏng nặng. Ngoài ra trang thiết bị máy tính, tivi, điện… tổng thiệt hại trên 300 triệu. Hiện nay đang cần xem xét sửa chữa 2 phòng vệ sinh; một số đồ dùng; nhất là 7 bộ máy tính và trang thiết bị và các môi trường bên ngoài đạt chuẩn, giờ tan hoang. Có 2 phòng học quá thấp trũng, nếu có điều kiện xây mới 2 phòng học thì mới yên tâm được.
Nhiều trường mầm non tại huyện Phong Điền bị ngập sâu, nhiều trang thiết bị hư hỏng |
Ngay sau khi nước rút, các thầy cô giáo dọn dẹp, khôi phục trường lớp |
Hiện các trường đang rất cần hỗ trợ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, càng sớm càng tốt để các em ổn định môi trường học tập.
Nằm trong chuỗi chương trình “Ân tình với miền Trung" do Báo Công Thương phát động, với mong muốn chung tay giúp đỡ các em học sinh vùng lũ đến trường, Báo Công Thương phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ "Hướng về học sinh vùng lũ" với mục đích hỗ trợ sửa chữa trường học, trang thiết bị cho trường học, trao đồ dùng học tập, cặp sách, áo quần; hỗ trợ cô giáo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Thời gian tới, Báo Công Thương sẽ kết hợp với các đơn vị, cá nhân hỗ trợ để mang đến tình yêu thương tại các trường học và học sinh vùng lũ. Rất mong các đơn vị, cá nhân đồng hành để chương trình mang ý nghĩa đặc biệt này cho các trường học, học sinh vùng lũ.
Thông tin liên hệ: Báo Công Thương Địa chỉ: Tầng 10 - 11, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Điện thoại: (024) 3936 6400; Fax: (04) 3936 6402. Tài khoản số: 124000080825; Tại: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long. Cán bộ phụ trách tiếp nhận hỗ trợ: 1- Ông Vương Xuân Hoan - Phó Trưởng Ban Trị sự. Địa chỉ: tầng 10, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Điện thoại: 0983193983. 2- Ông Nguyễn Xuân Hoài - Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung. Địa chỉ: số 7A Cách Mạng Tháng Tám, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Điện thoại: 0983405777. 3- Ông Nguyễn Việt Hùng - Phụ trách Hành chính VPĐD phía Nam. Địa chỉ: Lầu 6, tòa nhà làm việc Bộ Công Thương tại phía Nam, số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại: 0989612116. |