Tỉnh Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ, nâng tầm hợp tác xã Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền kinh tế số Chuyển đổi số nâng cao chất lượng dạy và học ở Quảng Ninh |
Cơ hội mở ra từ những quyết sách đột phá
Nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai quyết liệt, đồng bộ hàng loạt giải pháp, nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên đáng kể, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định, trong giai đoạn 2020-2025, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số là khâu đột phá, cấp bách. Đây là cơ sở để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Hiện, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Tiết thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Theo đó, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật là Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; chủ đề công tác năm 2022 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 13/5/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Cùng với đó, Quảng Ninh còn có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành phục vụ sự phát triển của tỉnh; thưởng đối với người có tài năng và sinh viên giỏi; hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh...
Toàn tỉnh hiện có 47 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 6 trường cao đẳng; 2 trường trung cấp; 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 26 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, bình quân hằng năm, các cơ sở tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người, với hơn 120 nghề đào tạo. Tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm đạt 85%.
Ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh - cho biết, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tổ chức tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, chú trọng công tác phân loại, hướng nghiệp học nghề cho học sinh, nhất là khu vực vùng khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tiếp cận học sinh để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn chọn ngành, chọn nghề; tạo điều kiện cho học sinh được tìm hiểu, trải nghiệm về nghề nghiệp ngay tại nơi tư vấn.
Từ những chính sách, cơ chế đặc thù cùng nguồn lực đầu tư thỏa đáng, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng hàng năm, từ 62% năm 2014 lên 86,46% năm 2023.
Tầm vóc, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động từng bước đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI.
Coi trọng chất lượng đào tạo
Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành than, được Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh chú trọng. Nhà trường đã cử giáo viên tiếp cận công nghệ mới của các mỏ đang áp dụng để xây dựng, bổ sung, điều chỉnh 46 chương trình sơ cấp nghề, như: Giáo thủy lực di động liên kết xích, vì neo, lò giếng, khoan nổ mìn…Hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các phòng học, giảng đường đạt tiêu chuẩn, hệ thống phòng thí nghiệm (trung tâm điện - tự động hóa, xưởng thực hành cơ khí - ô tô, phòng thực hành IOT, trung tâm ngoại ngữ - tin học) từng bước đầu tư, bổ sung trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu của thực tế.
Nhà trường mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy. Trường hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 40 cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học quốc tế tại: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ba Lan, Pháp, Canada, Hoa Kỳ...
Các ngành của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh hầu hết phục vụ nhân lực, định hướng chế biến, chế tạo của tỉnh. Ảnh: Lan Anh |
Với mục tiêu hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng, tay nghề, kỹ thuật cao, Trường Đại học Hạ Long luôn duy trì sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, người sử dụng lao động xuyên suốt quá trình đào tạo, từ khâu tuyển dụng, xây dựng chương trình đào tạo, tới khâu tổ chức đào tạo, đặc biệt là quá trình cho sinh viên thực tế, thực hành, thực tập để củng cố chuyên môn nghiệp vụ.
Nhờ đó, trong 10 năm qua, nhà trường đã cung cấp cho thị trường lao động địa phương và khu vực lân cận hơn 8.800 học sinh, sinh viên tốt nghiệp; trong đó, nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng hơn 7.300 người. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường cũng như chất lượng lao động được đánh giá cao, Trường trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu của tỉnh.
TS. Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long - cho biết, với sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, nhà trường đã tăng cường, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn, các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã triển khai ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác với 15 tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục và công ty có yếu tố nước ngoài ở các quốc gia Australia, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, New Zealand; 7 tổ chức phi chính phủ cung cấp tình nguyện viên và chuyên gia; 2 trường đại học để thực hiện các dự án quốc tế và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại. Triển khai thành công nhiều dự án hợp tác quốc tế, điển hình dự án hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc như: Quỹ hợp tác quốc tế Hàn Quốc; Công ty Giáo dục Visang Hàn Quốc; Trường Đại học Pyeongtaek và Quỹ Học viện King Sejong Hàn Quốc.
Giờ tự học tại thư viện của sinh viên Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Thành Đạt |
Theo dự báo của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, hàng năm, Quảng Ninh cần bổ sung khoảng 30.000-60.000 lao động; dự kiến đến năm 2025 nhu cầu nguồn nhân lực cần 821.900 người, con số này là 874.200 người vào năm 2030. Nhu cầu nguồn nhân lực tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề: Chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi, logistics; dịch vụ du lịch…
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hoài Sơn, để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng, tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế bền vững, thời gian tới tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao ở các lĩnh vực, nhất là những ngành, nghề mũi nhọn, có lợi thế của tỉnh. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch nguồn nhân lực có tay nghề cao về số lượng, cơ cấu nghề nghiệp, gắn với nhu cầu sử dụng lao động theo yêu cầu thực tế.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đổi mới, tăng cường phối hợp, liên kết đào tạo trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Đặc biệt quan tâm chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời chủ động phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh để đưa sinh viên đến thực tập, tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…
"Đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo nền móng vững chắc để Quảng Ninh bứt phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc", ông Sơn khẳng định.