Dự kiến từ năm 2025 sẽ điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử |
Ngày 8/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức “Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính quyền TP. Hồ Chí Minh”. Đây cũng là Hội nghị đối thoại trực tiếp lần thứ 252 của Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố.
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh và ôngTrần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh điều hành hội nghị. |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - nhấn mạnh: Hội nghị nhằm phổ biến quy định của pháp luật và giải đáp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về trích nộp bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp thành phố.
Lĩnh vực bảo hiểm xã hội luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi đây được xem là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, mang lại lợi ích toàn diện cho cả doanh nghiệp, người lao động và xã hội. Đối với doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội giúp tạo dựng môi trường làm việc ổn định, thu hút và giữ chân người lao động, đồng thời giảm thiểu rủi ro kinh doanh.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của công đồng doanh nghiệp. |
“Còn đối với người lao động, bảo hiểm xã hội bảo vệ họ trước những rủi ro trong cuộc sống để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên phạm vi xã hội, bảo hiểm xã hội góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và giải đáp hàng chục câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về trích nộp bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp….
Một vấn đề "nóng" được nhiều nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là quy trình xử lý hồ sơ, kênh tương tác và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nêu câu họi tại hội nghị. |
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh - thông tin: Về quy trình xử lý hồ sơ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện các biện pháp cải tiến nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề kênh tương tác và hỗ trợ, ông Trần Dũng Hà cho biết, bảo hiểm xã hội luôn sẵn sàng lắng nghe và cải tiến hệ thống dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các yêu cầu cần hỗ trợ có thể được gửi qua các kênh như tổng đài hỗ trợ, cổng thông tin trực tuyến, hoặc qua ứng dụng di động.
“Trong trường hợp gấp, hoặc phản ánh các thông tin, doanh nghiệp vui lòng liên hệ Văn phòng Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, số điện thoại 028.3997.9039 hoặc Tổng đài chăm sóc khách hàng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam số 1900 9068 để được hỗ trợ”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh nói.
Một vấn đề nóng khác cũng đường nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là liên quan đến vấn đề về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh). |
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh) - cho biết: Căn cứ quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định: Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Trừ trường hợp người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ và người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động (nay là khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019). Như vậy, người lao động nước ngoài phải thỏa điều kiện nêu trên mới thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả. |