Thực thi tiêu dùng xanh phải bắt đầu từ nhận thức
Xu thế không thể tách rời
Tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang những nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Sự hợp tác giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các bên liên quan khác có thể mang lại giải pháp bền vững hơn trong hệ thống sản xuất- tiêu thụ, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường, phát thải khí nhà kính.
Xu hướng tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam các hệ thống bán lẻ đã và đang sử dụng túi phân hủy sinh học trong phân phối và tiêu dùng (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách, tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách trong đó có nhiều nội dung nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững, cụ thể là ngày 25/9/2012 Thủ tướng đã ký Quyết định ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tiếp theo ngày 11/1/2016, Thủ tướng đã ký Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc xanh hóa hệ thống phân phối, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; ngày 24/6/2026, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030… Mới đây nhất, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023 cũng bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
"Điều đó cho thấy sản xuất và tiêu dùng bền vững đã là xu thế toàn cầu và là yêu cầu cấp thiết hiện nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng."- PGS.TS Nguyễn Thế Chinh khẳng định.
Các chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, hướng người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường. Từ đó buộc các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nếu muốn tồn tại và phát triển phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế và thực hiện cam kết Net -Zezo vào năm 2050.
Nhận diện những thách thức
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, mặc dù chủ trương, chính sách, chiến lược về sản xuất, tiêu dùng bền vững với điểm nhấn là tiêu dùng xanh đã khá toàn diện và đầy đủ. Nhưng thực tế cho thấy, việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách này thành quy định pháp luật và có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống, nhằm tiến đến mục tiêu hạn chế, loại bỏ việc tiêu dùng hàng hóa không thân thiện với môi trường vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất đối với tiêu dùng xanh đó là giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp (DN) còn hạn chế, thói quen tiêu dùng của người dân.
Hiện nay, theo thống kê, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường thường có giá cao hơn so với các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thông thường cùng loại từ 20 - 40%.
Vì vậy, trong khi mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam còn thấp, thì việc cân nhắc để chọn lựa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường là rất khó đối với người tiêu dùng.
Bao bì xanh ngày càng được sử dụng nhiều trong hệ thống phân phối bán lẻ (Ảnh:Thu Hường) |
Bên cạnh đó là thói quen tiêu dùng- đây là trở ngại rất lớn khi triển khai giải pháp và áp dụng quy định vào thực tiễn. Người tiêu dùng Việt Nam đã quen với những sản phẩm, hàng hóa mang tính tiện lợi, tiết kiệm, có thể sử dụng được lâu dài và nhiều lần như túi ni lông để đựng thức ăn; chai nhựa để đựng đồ uống thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ…
Đối với doanh nghiệp, theo một khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh (năm 2022, Trần Quang Vinh) có đến 70% doanh nghiệp không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp chưa quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp chưa sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh…
Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trong sản xuất xanh là do việc đầu tư chi phí ban đầu lớn, tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. DN có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp.
Để thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, theo Thạc sỹ Thái Huy Ngọc – Trường Đại học Nguyễn Huệ, Nhà nước rất cần những hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ kinh tế xanh đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia và cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, ngành nghề.
Đồng thời, phải có chính sách khuyến khích phát triển những ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất; xây dựng, nhân rộng các mô hình DN xanh; hỗ trợ giá cho sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường tiếp thị quảng bá nhằm kích cầu tiêu dùng; huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước…
‘Cần xây dựng và áp dụng triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường.’- Thạc sỹ Thái Huy Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (quảng cáo, tuyên truyền) để người tiêu dùng biết được lợi ích thiết thực mà sản phẩm xanh mang lại cho cộng đồng, cho môi trường. Cùng với đó, tính sẵn có của sản phẩm phải được quan tâm, doanh nghiệp cần chú trọng đến hoạt động phân phối, đảm bảo sản phẩm luôn gần gũi, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn…