Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT kỳ vọng sẽ mang lại tác động kép cho ngành gỗ Việt
Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT kỳ vọng sẽ mang lại tác động kép cho ngành gỗ Việt |
Chiều ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm Trực tuyến: “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với xuất khẩu gỗ Việt Nam”.
EU là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ 4, chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam và hơn 400 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường này. Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định VPA/FLEGT vào ngày 19/10/2018 sau hơn 6 năm đàm phán. Đây là Hiệp định có tính chất giàng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.
Ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – cho hay: EU được coi là một thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt, vì vậy, việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu trực tiếp vào 28 nước châu Âu mà không cần phải qua một nước trung gian nào. Thị trường sẽ rộng mở hơn, dự đoán trong vài năm nữa, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD.
Nhưng điều quan trọng hơn đó là Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, đặc biệt góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang các nước ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các thị trường khác góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Bên cạnh những lợi ích mà Hiệp định VPA/FLEGT mang lại, Hiệp định này cũng phát sinh những nghĩa vụ cho Việt Nam. Bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) cho hay: Các cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT về quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu, phân loại mức độ rủi ro doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT đặt ra yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật. Cạnh đó, Hiệp định VPA/FLEGT yêu cầu người dân, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung phải thực hiện đầy đủ việc tự kê khai, tự đánh giá, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Hiệp định VPA/FLEGT yêu cầu đảm bảo sự đối thoại cấp cao thường xuyên giữa Việt Nam và EU với sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, tổ chức phi chính phủ trong nước trong quá trình giám sát thực hiện Hiệp định để đảm bảo Hiệp định được thực hiện một cách minh bạch.
Tuy nhiên, bà Vân lưu ý, Hiệp định VPA/FLEGT đã được ký kết nhưng không phải là có hiệu lực ngay mà vẫn cần thời gian để Việt Nam chuẩn bị. Khi Hiệp định VPA/FLEGT chưa được hai bên phê chuẩn và Hệ thống đảm bảo gỗ Việt Nam chưa vận hành đầy đủ, trong đó có cơ chế cấp phép FLEGT thì các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU phải tuân thủ các quy định về hồ sơ xuất khẩu theo quy định pháp luật của Việt Nam tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT và Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn phải làm trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ theo quy định 995 của EU cho các nhà nhập khẩu EU bao gồm việc cung cấp bằng chứng về gỗ hợp pháp của lô hàng (dịch ra tiếng Anh), đánh giá nhà cung ứng, kế hoạch giảm thiểu rủi ro, lưu trữ hồ sơ… “Sau khi Việt Nam vận hành cơ chế cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu vào EU thì giấy phép FLEGT sẽ thay thế các giấy tờ mà các DN Việt Nam đang phải nộp cho bên nhập khẩu EU”, bà Vân nói.
Từ nay đến khi Hiệp định chính thức thực thi, sẽ còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Điển: Hiệp định này đã tạo ra cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Tham gia Hiệp định, ngành gỗ Việt sẽ làm chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Đây chính là yếu tố cấu thành giá trị ngành gỗ trong tương lai. Cạnh đó, Việt Nam còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn.
“Ví dụ gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800USD/m3 thì nếu áp dụng công nghệ cao giá thành sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm. Hiệp định VPA/FLEGT đem đến cho chúng ta thị trường vô cùng rộng lớn, không sợ ế hàng, không lo bị ép giá”, Phạm Văn Điển nhấn mạnh.