Sự kiện do Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội đầu tư, cũng như liên doanh, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có nhiều tiềm năng về đầu tư đối với các doanh nghiệp |
Khẳng định tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của đất nước, đưa Việt Nam vượt qua nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.
Đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu...
Xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản đã đạt trên 53 tỷ đô la Mỹ với thặng dư thương mại đạt trên 12 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,7% so với năm 2022.
Với điều kiện địa lý thuận lợi, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện đã và đang đem lại nhiều cơ hội, thuận lợi mới cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách của Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư của Cộng hòa Séc.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, Cộng hòa Séc có thể đầu tư, chuyển giao công nghệ trong chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, các sản phẩm chăn nuôi, thuốc thú y… mà hai bên có nhiều lợi thế để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
"Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã và đang tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; hơn 90% dòng thuế suất sẽ có lộ trình cắt giảm về 0%. Đây là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên cùng tiếp xúc, trao đổi thông tin, tiến tới xúc tiến ký kết các thỏa thuận hợp tác, sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết trong thương mại và đầu tư để cùng có lợi", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Theo ông Marek Výborný - Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Séc, trao đổi thương mại giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, điều này là cơ sở để hai bên tiếp tục mở rộng và phát triển hợp tác song phương.
“Kim ngạch thương mại nông sản giữa hai quốc gia tăng trưởng tích cực. Đẩy mạnh hợp tác nói chung giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai quốc gia trong tương lai”, ông Marek Výborný nhấn mạnh.
Chia sẻ về tiềm năng kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, bà Jana Havrdová - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Cộng hòa Séc - cho biết, đơn vị đã giới thiệu tới diễn đàn 25 doanh nghiệp hàng đầu tại nước này, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất bia, chế biến sữa và thịt, công nghệ thực phẩm và nông nghiệp, đầu vào nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.
Cũng theo bà Jana Havrdová, cộng đồng doanh nghiệp Cộng hòa Séc nhận thấy tiềm năng lớn trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc và việc tham gia diễn đàn nhằm tìm kiếm cơ hội tìm hiểu, hợp tác và đầu tư cùng doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó, trong sáng 20/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đã hội đàm với Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Séc Marek Výborný nhằm đưa ra định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 2,7 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hai chiều của ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Cộng hòa Séc cao hơn khoảng 10 lần so với chiều ngược lại.
Do vậy, phía Cộng hòa Séc kỳ vọng Việt Nam trong thời gian tới có thể hỗ trợ Cộng hòa Séc xuất khẩu các sản phẩm thịt và hai bên sớm đi đến thỏa thuận thống nhất về yêu cầu thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm từ Cộng hòa Séc.
Cộng hòa Séc là một trong 27 thành viên của Liên minh châu Âu tham gia Hiệp định Đối tác tự nguyện thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Việt Nam. Về phía Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn Cộng hòa Séc ủng hộ Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, tăng cường hợp tác trong quản lý tài nguyên rừng bền vững và thực thi CITES, thúc đẩy thương mại gỗ và lâm sản hợp pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của hai bên.
EU đã ban hành quy định mới về sản phẩm không gây mất rừng (EUDR), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn phía Séc cung cấp thêm thông tin và hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai kế hoạch thích ứng với EUDR.
Tháng 10/2017, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việt Nam xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thủy hải sản bền vừng, mà còn thể hiện trách nhiệm, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm khắc phục các tình trạng vi phạm theo các khuyến nghị của EC.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn phía Cộng hòa Séc ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam và có tiếng nói ủng hộ để EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam.