Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT kỳ vọng sẽ mang lại tác động kép cho ngành gỗ Việt |
Chiều 23/12 tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác phát triển GIZ và Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Hỗ trợ quá trình VPA tại Việt Nam: Hướng đến các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp giữa các quốc gia tham gia Hiệp định VPA”.
Hội nghị với sự tham gia của gần 90 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, Cục Kiểm lâm và Tổng cục Hải quan, các hiệp hội gỗ, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự.
Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để tất cả các nguồn gỗ tham gia vào chuỗi cung phải bảo đảm tính hợp pháp về nguồn gốc; qua đó nâng cao uy tín, thương hiệu ngành chế biến gỗ của Việt Nam trên thị trường thế giới và làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, nguồn nguyên liệu gỗ cần có nguồn gốc và giao thương hợp pháp thông qua toàn bộ chuỗi giá trị. Mục đích cuối cùng là bảo vệ rừng thế giới không bị khai thác bất hợp pháp. Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) ký kết vào năm 2018, ghi nhận mục tiêu chung này giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thiện - Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Phó Giám đốc Dự án khẳng định: “Sau 4 năm triển khai, dự án đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực thi VPA/FLEGT tại Việt Nam, thông qua việc cải thiện khung chính sách và tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan”. Sau khi ký kết Hiệp định VPA, Việt Nam đã tăng cường xây dựng, sửa đổi các chính sách lâm nghiệp, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc lâm sản thông qua Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS)".
Ông Nguyễn Hữu Thiện - Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tại hội nghị |
Cụ thể, dự án đã hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp lý quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) cũng như các quy định, hệ thống quản lý thông tin phục vụ kiểm soát nhập khẩu gỗ; nâng cao năng lực của cơ quan xác minh, cơ quan cấp phép FLEGT và khối tư nhân để thực thi các quy định của Nghị định VNTLAS một cách có hiệu quả; hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông về kiểm soát nhập khẩu gỗ đến các bên liên quan; hỗ trợ kết nối về VPA/FLEGT thông qua đối thoại giữa Hải quan, Tổng cục Lâm nghiệp, các doanh nghiệp; chia sẻ bài học kinh nghiệm với các nước VPA.
“Dự án đã đồng hành và góp phần hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp triển khai thực hiện Nghị định 102 (VNTLAS), Hiệp định VPA/FLEGT một cách hiệu quả, qua đó nâng cao uy tín ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam, nâng cao vị thế Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, chống buôn bán gỗ bất hợp pháp. Góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ sang EU và các thị trường ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc v.v...; thực hiện được mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm lâm sản, năm 2021 đạt 14,47 tỷ USD, đứng thứ 2 châu Á và thứ 4 thế giới); 11 tháng đầu năm 2022 đạt 15,57 tỷ USD”, ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết thêm.
Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ xây dựng các bộ tài liệu đào tạo, tập huấn, truyền thông về Hiệp định VPA/FLEGT và tổ chức các khóa đào tạo tập huấn để phổ biến và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu gỗ và sử dụng gỗ nhập khẩu, vận động các doanh nghiệp, người dân không sử dụng và kinh doanh gỗ bất hợp pháp, có ý thức và trách nhiệm bảo vệ đa dạng sinh học rừng, bảo vệ môi trường, phù hợp với các cam kết của Hiệp định.
Dự án đã hỗ trợ công tác tập huấn cho các cơ quan báo chí, truyền thông về Hiệp định VPA/FLEGT |
Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, ông Santiago Alonso-Rodriguez, Bí thư Thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển chia sẻ: Dự án đã kết hợp hiệu quả việc tư vấn chính sách ở cấp quốc gia với việc phát triển năng lực của nhiều bên liên quan, đồng thời tạo điều kiện trao đổi giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu gỗ. Dựa trên những cam kết của VPA FLEGT, các chính sách quan trọng đã hoặc đang được xây dựng và sửa đổi bởi Chính phủ Việt Nam. Điều này bao gồm Luật Lâm nghiệp cùng các nghị định và thông tư, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam và gần đây nhất là kế hoạch hành động để thực hiện Tuyên bố Glasglow về lâm nghiệp. Dự án cũng đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng lực của nhiều bên liên quan, ví dụ như thực hiện kiểm soát nhập khẩu hiệu quả và nâng cao hiểu biết cũng như năng lực cần thiết của hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân về các trách nhiệm giải trình.
“Tôi muốn đặc biệt nêu bật đóng góp của dự án trong việc tăng cường các yêu cầu và kiểm soát gỗ nhập khẩu. Trách nhiệm mới của cán bộ hải quan được nêu trong Nghị định 102 bao gồm kiểm tra bổ sung tại cửa khẩu đối với gỗ. Với sự hỗ trợ của dự án, việc đưa ra các dấu hiệu rủi ro gỗ cụ thể đã được tích hợp trong quy trình tùy chỉnh thông thường. Ngoài ra, cán bộ kiểm lâm có thêm các trách nhiệm mới liên quan đến kiểm soát sau thông quan. Dựa trên tài liệu đào tạo tiêu chuẩn và các công cụ khác, gần 500 nhân viên của hải quan và Cục Kiểm lâm hiện đã được đào tạo để cải thiện việc kiểm soát gỗ nhập khẩu”, ông, Santiago Alonso-Rodriguez cho biết thêm.
Thông qua các hoạt động của Dự án, các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế đã được cung cấp thêm những thông tin và cập nhật về việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam như quy định trong Phụ lục VIII của Hiệp định. Qua đó, tăng cường tính minh bạch khi thực hiện Hiệp định và hạn chế các nguồn thông tin không chính xác về ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Thêm vào đó, vai trò kiểm soát gỗ nhập khẩu và đảm bảo chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp theo yêu cầu Hiệp định VPA/FLEGT và VNTLAS có thể nói là nhiệm vụ quan trọng dành cho các cơ quan xác minh bao gồm Kiểm lâm và Hải quan và hệ thống trách nhiệm giải trình doanh nghiệp.
Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án khẳng đinh: “Việc nâng cao năng lực cho các bên liên quan là nhiệm vụ trọng điểm nhằm tăng cường hệ thống xác minh tuân thủ và các thủ tục thực thi đi kèm. Dự án đã tổ chức các khóa đào tạo về kiểm soát gỗ nhập khẩu, với sự tham gia của đại diện từ 47 tỉnh thành, trong đó 406 cán bộ kiểm lâm và hải quan đã được đào tạo về kiểm soát nhập khẩu gỗ. Ngoài ra, 209 học viên đến từ các doanh nghiệp và hiệp hội gỗ trên cả nước đã tham gia khóa đào tạo thực hành trách nhiệm giải trình".
Dự án cũng đã nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa doanh nghiệp các nước xuất, nhập khẩu nhằm hướng tới chuỗi cung ứng bền vững. Điều này đã mở ra cơ hội cho các bên tham gia khác nhau trong chuỗi giá trị gỗ trao đổi kinh nghiệm về việc thực thi VPA/FLEGT với các quốc gia khác nhau trong Liên minh châu Âu và trên thế giới.
Trong khuôn khổ dự án, tài liệu đào tạo, thông tin về các yêu cầu pháp lý tại các quốc gia khai thác và các tài liệu hỗ trợ xác định các loài gỗ nhiệt đới cũng được xây dựng, xuất bản và chia sẻ tới các bên liên quan khác nhau.
Ông Santiago Alonso-Rodriguez khẳng định: Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tiếp tục hợp tác hỗ trợ Việt Nam thực thi Hiệp định VPA/FLEGT. Một Dự án hợp tác kỹ thuật mới về “Hỗ trợ thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ đã được bắt đầu. Dự án này nhằm mục đích hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam trong việc thực hiện các hành động đã được thống nhất chung để thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Đối tác tự nguyện. Điều này bao gồm việc cải thiện các điều kiện pháp lý, thể chế và vận hành để điều chỉnh Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS) với các yêu cầu được nêu trong VPA/FLEGT. |