Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi
Trong những năm qua, thực phẩm chức năng là mặt hàng được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm chức năng với mục đích tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh đang tăng lên nhanh chóng, với khoảng 80% dân số. Ước tính, tổng quy mô ngành thực phẩm chức năng ở nước ta (không có hàng xách tay) đạt khoảng 13 tỷ USD. Con số này cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Song song với nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng tăng cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm chức năng cũng đua nhau mọc lên. Không thể phủ nhận, việc có thêm nhiều đơn vị tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm chức năng đã góp phần làm đa dạng hóa thị trường, phục vụ nhu cầu ngày càng khắt khe và đa dạng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặt trái của việc này là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh gian dối, trục lợi trên sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng. Một trong những tình trạng gây nhức nhối là quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh để trục lợi.
Thậm chí, chính PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng nhìn nhận rằng, có khoảng 80% các quảng cáo sản phẩm trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là "trá hình" thực phẩm chức năng.
Ông Trần Đáng cho rằng, các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.
Từng chia sẻ tại toạ đàm với chủ đề "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" diễn ra hồi tháng 5/2024, ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng bày tỏ những lo ngại về tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, giống với thuốc chữa bệnh để lại những hệ lụy khôn lường cho người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, những quảng cáo thực phẩm chức năng "cam kết chữa khỏi bệnh” là vi phạm quy định về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng. Có những người bị bệnh nan y nếu phát hiện, điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống, nhưng việc tin vào những quảng cáo sai sự thật có thể khiến họ vụt mất cơ hội được điều trị, chữa bệnh kịp thời. Khi người dùng sử dụng các sản phẩm không thấy hiệu quả mới đến bệnh viện thì mọi chuyện đã muộn.
Hình ảnh một sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh. Ảnh chụp màn hình |
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện ra nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng để quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Trong đó, có việc sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ để quảng cáo thực phẩm chức năng, cố tình dàn dựng, cắt ghép ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, hướng suy nghĩ của người xem đến việc sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Thậm chí, cơ quan chức năng còn phát hiện và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự một số sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam có chứa chất cấm trong thành phần.
Dù trong thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã tăng cường kiểm soát, tuy nhiên, những thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh liên tục xuất hiện, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm xuất phát từ lòng tham của không ít cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh, bất chấp cả lương tâm và các quy định của pháp luật chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Thêm vào đó, việc nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nội dung quảng cáo online.
Ngoài ra, tâm lý e ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh cùng sự thiếu kiến thức của người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo cũng là lý do khiến các quảng cáo thực phẩm chức năng sai lệch vẫn còn tồn tại.
Cần xử lý nghiêm
Theo các chuyên gia y tế, việc chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng vừa góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người dân, vừa tạo nên sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter… Đồng thời, rà soát, quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng…
Cùng với các giải pháp tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi trên thị trường. Người dân khi sử dụng thực phẩm chức năng cần theo tư vấn của bác sĩ; không nên tự ý dùng, nhất là khi sử dụng thực phẩm chức năng với hàm lượng cao trong thời gian dài.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%. Bộ Y tế cũng thực hiện cấp 6.653 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công Thương để xử lý theo thẩm quyền. Bộ Y tế cũng đã xử lý 126 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng. |