Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia: Cơ hội phát triển cho đồng bào trên đất “Chín Rồng”
Cùng với niềm vui đón Tết, đồng bào Khmer có thêm niềm vui lớn hơn khi được cùng đồng bào Chăm, Hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón nhận thêm nhiều dự án, công trình đầu tư mới của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tặng quà cho đồng bào Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây |
Là vùng trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước; nhưng đến nay sản xuất nông nghiệp của khu vực ĐBSCL vẫn còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ. Hoạt động liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững.
Đặc biệt, đời sống đồng bào các DTTS trong vùng còn rất nhiều vấn đề đặt ra, như: 1,8% số hộ chưa được sử dụng điện; 2,5% số xã chưa có đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện; 5,8% xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; 8,6% trường học, 10,6% lớp học chưa được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,3%, cận nghèo 11,9%; còn 23,3% đồng bào Khmer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết tiếng Việt; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ,…
Để đồng bào DTTS vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế so sánh, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của mình… việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được xác định là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó có Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội.
Các đồng chí lãnh đạo tham dự và chủ trì Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 khu vực ĐBSCL |
Tại hội thảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 khu vực ĐBSCL tổ chức ngày 5/4, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Khu vực ĐBSCL có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng. Chính vì thế, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN sẽ tạo động lực để đồng bào các DTTS vươn lên giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giúp ĐBSCL củng cố vị thế và vai trò của mình.
Cụ thể hơn, với chương trình mục tiêu quốc gia, các lĩnh vực như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất, phát triển văn hóa - giáo dục; xây dựng hệ thống chính trị… ở vùng DTTS của ĐBSCL sẽ được quan tâm và có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển.
Thực hiện được mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan liên quan cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các bộ, ngành Trung ương với các địa phương; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành và các quy định, điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho chương trình để việc triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN. Chương trình được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo vô cùng sát sao và bố trí hơn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất, kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của nhân dân cũng như đồng bào các DTTS.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay trong tháng 4/2022.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý: Để người dân thật sự là chủ thể tham gia thực hiện chương trình, cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, từ đó phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam; là khu vực quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng. Gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với diện tích tự nhiên 39.700 km2, chiếm 11,2% diện tích cả nước; dân số 17.273.630 người, gồm 4 thành phần dân tộc chính (Kinh, Khmer, Hoa, Chăm); trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có 1.310.007 người, chiếm 7,58% dân số toàn vùng. Đây là vùng có đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. |