Thúc đẩy thương mại hóa công nghệ giữa các nền kinh tế APEC
Toàn cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo có đại diện của một số nền kinh tế thành viên APEC như Australia, Singapore, Đài Loan, Indonesia, về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện của 16 sở khoa học và công nghệ các tỉnh thành phố, 8 viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và đại diện của trên 30 đại diện startup, doanh nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Hội thảo được tổ chức là cơ hội để các chuyên gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên APEC, thiết lập nâng cao hiệu quả của hợp tác công tư để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ. Cụ thể, đã thảo luận những vấn đề như: Kinh nghiệm của Singapore trong xây dựng các chính sách thúc đẩy hợp tác thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D gắn với thị trường; Giới thiệu dự án hợp tác giữa viện, trường, và doanh nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan; Vai trò của kinh tế tư nhân trong thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D từ khu vực nghiên cứu đến doanh nghiệp; Thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam...
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết, theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC vào Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua.
Trong quá trình toàn cầu hóa sâu rộng các nền kinh tế APEC đã đang là những đối tác đầu tư, thương mại quan trọng của Việt Nam, bỏ qua những sự khác biệt thể chế chính trị, quy mô kinh tế - xã hội thì sự vượt trội, sự chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam khi thực hiện hoạt động thương mại hóa công nghệ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh phát triển của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Trong những năm qua với tư cách là thành viên tích cực và là nước chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam đã chủ động hội nhập kinh tế thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. “Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc tổ chức xúc tiến thương mại hóa công nghệ, hợp tác đầu tư để phát triển công nghệ, nhất là các công nghệ tiềm năng trong một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam với các đối tác ở các nền kinh tế thành viên APEC sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, tạo điều kiện để các nhà công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận, thu hút nguồn vốn đầu tư” - ông Quất nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, để thương mại hóa công nghệ hiệu quả cần phải có hành lang pháp lý cho thương mại hóa nghiên cứu, đứng trên quan điểm của cả nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đưa ra một số mô hình mẫu để hợp tác giữa hai bên cùng có lợi; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng; các nghiên cứu cần có sự phối hợp liên ngành; tăng cường hơn nữa cơ quan cầu nối trung gian giữa nghiên cứu và doanh nghiệp, bảo vệ được quyền lợi của nhà nghiên cứu. Đồng thời, cần phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo của các viện, trường. Ví dụ tại Đài Loan, Nhà nước chỉ đầu tư vốn mồi, còn khu vực tư nhân mới là lực lượng quan trọng đầu tư vào những sản phẩm mới, dịch vụ mới và những nghiên cứu mới...