Thừa Thiên - Huế: Ưu tiên phát triển thương mại điện tử
Doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tuyến
- Ông Võ Phi Hùng- Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế - cho biết, để thúc đẩy phát triển TMĐT, mấy năm qua, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT của địa phương. Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, tỉnh tập trung đào tạo, tuyên truyền phổ biến về TMĐT thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn…; xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng CNTT... Kết quả, khoảng 80% trong tổng số 3.000 DN có mạng kết nối, số DN có website chiếm từ 8-10%, giao dịch TMĐT chủ yếu sử dụng thư điện tử, giới thiệu thông tin trên các website, diễn đàn đạt khoảng 30-40%.
Giai đoạn 2011- 2015, Thừa Thiên - Huế đã có bước phát triển mạnh về ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN xem việc ứng dụng TMĐT là một trong những chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, khẳng định thương hiệu.
Đến nay, tỉnh có khoảng 5.000 DN, trong đó số DN kết nối internet đạt gần 100%; số DN có giao dịch TMĐT chiếm khoảng 70%, DN có website chiếm khoảng 15%. Riêng Sở Công Thương đã nâng cấp website và mở rộng kênh thông tin DN, nhằm hỗ trợ quảng bá DN và kênh dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo cung cấp các thủ tục liên quan đến lĩnh vực thương mại - công nghiệp đạt mức độ 3 từ năm 2012.
Thừa Thiên - Huế phấn đấu đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt hoạt động TMĐT, chống các hiện tượng lợi dụng bán hàng trực tuyến để bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… gây thiệt hại cho khách hàng, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Theo thống kê, tình hình cung cấp trực tuyến các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công trực tuyến trên địa bàn ở mức 1 có 1.696 thủ tục, mức 2: 1.166 thủ tục, mức 3: 109 thủ tục và mức 4: 16 thủ tục. Ngoài ra có 28 dịch vụ trực tuyến khác đạt mức 3.
Đối với dự án triển khai chữ ký số, trong 3 năm gần đây, số lượng DN đăng ký sử dụng tăng lên đáng kể. Theo số liệu của Viễn thông Thừa Thiên - Huế, hiện đơn vị đã cung cấp gần 500 chữ ký số công cộng cho các DN, đạt khoảng 10% DN.
Trong hoạt động khai báo hải quan điện tử, đến nay, Cục Hải quan đã triển khai hệ thống khai báo điện tử cho 100% DN xuất khẩu trên địa bàn. Theo đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế sẽ chính thức sử dụng hình thức thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử (HĐĐT) kể từ ngày 1/6/2014 thay cho hình thức thanh toán bằng hóa đơn tự in dạng giấy như hiện nay. Để hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT, từ năm 2013, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ban, ngành hỗ trợ các DN nhỏ, cơ sở sản xuất truyền thống… xây dựng website và ứng dụng phần mềm kinh doanh điện tử.
Khó khăn hiện nay, ứng dụng TMĐT tại Thừa Thiên - Huế mới chủ yếu ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa áp dụng rộng rãi vào những lĩnh vực khác, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống có các sản phẩm đặc sản và tiềm năng xuất khẩu; mới có khoảng 2% trong tổng số các DN có website tiến hành thông báo và đăng ký website TMĐT theo quy định tại Thông tư 12 về quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương.
Minh Tích - Ngọc Thi