Chủ nhật 22/12/2024 18:02

Thừa Thiên Huế: Tiểu thương chợ Khe Tre kiến nghị về sắp xếp gian hàng buôn bán

Lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế đã trả lời kiến nghị của tiểu thương chợ Khe Tre về vấn đề sắp xếp các gian hàng buôn bán sau xây dựng lại chợ.

Sau hơn 7 tháng tạm dừng để thi công, sửa chữa khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 12/2023, hiện chợ Khe Tre (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) đã hoạt động trở lại.

Gian hàng kinh doanh áo quần, may mặc được sắp xếp ở khu vực đảm bảo tiêu chuẩn tại chợ Khe Tre. Ảnh: NT

Tuy nhiên, thời gian qua, tiểu thương chợ Khe Tre đã có kiến nghị với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nội dung về nguyên nhân cháy chợ sau thời gian dài nhưng chưa công bố; tại sao hàng quần áo và may mặc không được kinh doanh trở lại tại chợ Khe Tre mà phải dời đi nơi khác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình buôn bán của nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này.

Trả lời các nội dung trên, ông Dương Thanh Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - cho biết, tháng 4/2024, UBND huyện đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng chợ tạm Khe Tre. Trong đó, các hạng mục thi công chợ tạm gồm: Đầu tư sửa chữa, cải tạo đình chợ phụ hiện trạng; xây dựng lại đình chợ chính với diện tích hơn 540m2 trên nền đình chợ chính sau khi phá dỡ; xây dựng mới một đình chợ tạm tại vị trí bến xe hiện trạng thuộc thị trấn Khe Tre, với diện tích khoảng 670m2. Ngoài ra, công trình còn được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC), chống sét, hệ thống cấp điện và các hạng mục phụ trợ khác đảm bảo yêu cầu sử dụng.

Để đảm bảo tiêu chuẩn về yêu cầu an toàn PCCC, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9211:2012 Chợ - tiêu chuẩn thiết kế; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11856: 2017 - Chợ kinh doanh thực phẩm, đình chính chợ tạm sau khi đầu tư mới diện tích chỉ còn 532m2 (giảm 728m2 so với trước). Tương ứng, số lô còn lại 76 lô, giảm 69 lô/điểm kinh doanh so với trước. Vì vậy, phương án bố trí, sắp xếp sử dụng điểm kinh doanh là phải chuyển 69 lô/điểm kinh doanh về hoạt động tại khu vực mới (đình bến xe).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Dương Thanh Phước, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11856:2017 yêu cầu, nguyên tắc bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh phải thuận lợi cho việc kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Khu vực kinh doanh phi thực phẩm (quần áo, may mặc, hàng gia dụng…) phải bố trí tách biệt với các khu vực kinh doanh thực phẩm khác.

“Hàng vải, áo quần, may mặc có số lô kinh doanh lớn (42 lô). Các lô bán mặt hàng này cần có diện tích lớn và phải bố trí cùng một khu vực để đảm bảo công bằng về lợi thế vị trí bán hàng, nên UBND huyện quyết định chọn phương án bố trí tập trung khu vực kinh doanh các mặt hàng này về khu vực mới (đình bến xe) và đây là phương án tối ưu”, ông Dương Thanh Phước cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết thêm, trước đó, ngày 23/5, UBND huyện có nhận được tờ trình của nhóm tiểu thương kinh doanh mặt hàng áo quần, may mặc tại chợ Khe Tre. Nội dung mong muốn được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí lô kinh doanh tại vị trí đình chính chợ tạm (trước đây là đình chính chợ cũ), không muốn thay đổi, xáo trộn địa điểm kinh doanh. Sau khi nhận đơn của tiểu thương, ngày 7/6, UBND huyện đã có văn bản trả lời. Tiếp đó, ngày 17/6, lãnh đạo UBND huyện và các ngành có liên quan đã tổ chức buổi đối thoại với các hộ tiểu thương đó.

Liên quan đến nguyên nhân xảy ra vụ cháy chợ Khe Tre, kết luận ban đầu của cơ quan điều tra là do chập điện tại khu vực đình phụ, sau đó lan ra các khu vực xung quanh. “Sau khi có thông tin chính thức của cơ quan có thẩm quyền về nguyên nhân vụ cháy, UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sẽ thông tin theo đúng quy định”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay.

Nguyễn Tuấn
Bài viết cùng chủ đề: Thừa Thiên Huế

Tin cùng chuyên mục

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Bà Rịa – Vũng Tàu: Khởi động dự án khu công nghiệp thông minh, sinh thái

Ninh Thuận: Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh tế trọng điểm

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 1- OCOP, làn gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn

Tuyên Quang: Sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế TP. Vũng Tàu năm 2024

Đồng Tháp: Tuân thủ pháp luật để hoạt động thương mại biên giới phát triển bền vững

Cảng biển Quảng Ninh: Đón đầu cơ hội tăng trưởng

Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Hải Dương: Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 2.000 doanh nghiệp

Thái Nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng UKVFTA, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh

Đồng Tháp: Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển

Đa dạng hoá sản phẩm, đưa du lịch Sơn La phát triển

Thành phố Sơn La - Gia tăng giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản

Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2024