Thừa Thiên Huế: Tập trung nguồn lực, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực và thực hiện nhiều chính sách, các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong đó có Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 một cách hiệu quả, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chuối già lùn và các nông sản của bà con dân tộc thiểu số huyện A Lưới bày bán tại cửa hàng |
Tại huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên Huế, việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt được những kết quả quan trọng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện A Lưới tập trung vào 3 nội dung đột phá là tạo việc làm cho lao động, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hỗ trợ về sinh kế. Đồng thời, lồng ghép và thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình MTQG như Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 để kêu gọi đầu tư, liên kết với các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…
“Để đạt mục tiêu đề ra, huyện A Lưới đã và đang triển khai việc tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao đã và đang được triển khai như: trồng chuối già lùn, trồng nấm, sâm bố chính, chăn nuôi bò, lợn hữu cơ...”, Chủ tịch UBND huyện A LướiNguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, ông Nguyễn Hải Teo (trú tại thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) đầu tư 500 triệu đồng để mua giống chuối, làm đất, vườn để trồng loại chuối này. Từ vụ chuối đầu tiên cho thu nhập cao, ông Teo đã mở rộng trồng thêm hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, vườn chuối của gia đình ông mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Từ mô hình trồng chuối già lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân ở xã Quảng Nhâm và các hộ dân đồng bào dân tộc Pa Cô ở các xã và thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới đã vay vốn mở rộng diện tích trồng chuối già lùn. Sau khi trừ đi mọi chi phí, bình quân mỗi ha chuối già lùn đã mang lại thu nhập từ 70-100 triệu đồng cho các hộ dân. Nhờ đó, nhiều người dân trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Hạ tầng giao thông, diện mạo nông thôn miền núi tại Thừa Thiên Huế được người dân đầu tư, xây dựng ngày càng thu hút du khách |
Tại huyện miền núi Nam Đông, thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án một cách quyết liệt và đồng bộ. Đến nay, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Theo UBND huyện Nam Đông, sau 2 năm triển khai Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn lực đã huy động đầu tư trên địa bàn huyện đạt 66 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi toàn huyện tăng lên 40,9 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,25% thì đến nay giảm xuống còn khoảng 5%.
Ông Hồ Xuân Trăng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, với sự chỉ đạo, quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy, chính quyền các cấp, kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi và một số công trình khác được xây dựng. Nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hoàn thành 7 công trình định canh định cư và khởi công xây mới 6 hạng mục công trình thuộc các điểm định canh định cư. Từ đó, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo kế hoạch, năm 2023 tổng nguồn vốn tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương là hơn 263 tỷ đồng để triển khai trên 10 Dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua Nghị quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho đối tượng được thụ hưởng theo Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, hơn 2.000 hộ dân thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ được hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1 Chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nghị quyết này cũng quy định, mỗi hộ dân sẽ được nhận mức hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà 3 cứng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng và nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp khác hỗ trợ 20 triệu đồng.