Thứ sáu 18/04/2025 22:21

Thủ tướng phát động khởi công Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng

Ngày 10/1/2021, tại Hoà Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lễ khởi công công trình Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (NMTĐ). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát động khởi công công trình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban QLDA Điện 1 làm đại diện Chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư là 9220,83 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: nguồn vốn vay thương mại trong nước là 4000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ là 70 triệu EUR của Cơ quan phát triển Pháp (AfD). Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10. Sau khi hoàn thành công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình đạt 2400 MW.

Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 của dự án sẽ phát điện vào quý III năm 2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV năm 2024.

Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó có 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.

Mục tiêu của dự án là tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước sông Đà, khai thác tối đa lượng nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu, tăng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện, tăng độ an toàn, ổn định và hiệu quả cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện NLTT (mặt trời và gió) đã chiếm tỉ trọng rất cao trong HTĐ như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo

Báo cáo về quá trình triển khai dự án, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, trong thời gian qua, EVN đã khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công công trình như: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chấp thuận và HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định đầu tư dự án; Bộ Công Thương đã thông qua kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình.

Mặt bằng các hạng mục liên quan khởi công gồm khu vực hố móng Nhà máy, cửa nhận nước, bãi thải, khu phụ trợ, lán trại đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao cho chủ đầu tư.

EVN cũng đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục khởi công. Đồng thời hoàn thành cơ bản công tác thu xếp vốn; tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng với các nhà thầu theo quy định; thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ thi công.

Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, dự án sẽ mang lại các hiệu quả: (i) Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; (ii) Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; (iii) Giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng có vị bên bờ phải từ đập chính

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công trình thuỷ điện Hoà Bình là một biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Xô. Cho đến nay công trình đã phát huy được vai trò quan trọng của mình trong việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước với sản lượng đã đạt hơn 250 tỷ kWh; cũng như kiểm soát tốt lũ lụt cho đồng bằng trung du Bắc Bộ.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của EVN và các đơn vị liên quan, biểu dương Bộ Công Thương, UB QLV nhà nước tại DN, Bộ Tài nguyên Môi trường đã nhanh chóng thẩm định dự án; UBND tỉnh Hoà Bình đã hỗ trợ, tạo điều kiện và giải quyết những vướng mắc về mặt bằng.

Thủ tướng cũng yêu cầu EVN và các đơn vị đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững toàn hệ thống, không để xảy ra sự cố nào; không làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân vùng dự án. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thực hiện thành công dự án.

Trong khuôn khổ lễ khởi công, đại diện ngân hàng Vietcombank - đơn vị tài trợ vốn cho dự án đã trao hợp đồng tín dụng cho đại diện EVN. Đại diện EVN trao món qùa 1 tỷ đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho tỉnh Hoà Bình.

Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam: Đến lúc bứt phá

Nhu cầu điện tăng, Mỹ huy động mọi nguồn năng lượng

Thu hồi giấy phép phân phối xăng dầu của Công ty CP Dầu khí Nam Long

Doanh nghiệp xăng dầu phải số hóa hoàn toàn trước ngày 30/4/2025

Đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên: Bài 2 - Chung sức gỡ nút thắt mặt bằng

Đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Bài 1: Những người thợ bám rừng kết nối nguồn sáng

NSMO gấp rút triển khai phương án cung cấp điện mùa nắng nóng

EVNNPC: Đóng điện Trạm biến áp 220kV Phú Bình 2 và đường dây rẽ Thái Nguyên – Bắc Giang

Nhiệt điện Nghi Sơn ứng dụng nhiều công nghệ mới trong hiệu chỉnh Lò hơi - Tuabin

Sắp diễn ra diễn đàn và triển lãm quốc tế năng lượng

Đầu tư năng lượng sạch tại Anh tăng tốc nhờ cải cách lưới điện

Chuyển đổi năng lượng: Ai dẫn dắt, ai hưởng lợi?

Lưới điện truyền tải không bị ảnh hưởng bởi cháy rừng tại Kim Bảng

Đức hướng tới kỷ lục mới về điện gió trong năm 2025

Thực hiện Nghị quyết 55 ở Vĩnh Phúc! Bài cuối: Từ tiết kiệm đến tái cấu trúc ngành công nghiệp

Những điểm mới của Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Tiết kiệm điện: Không phải ‘trend’ - là trách nhiệm!

Cơ cấu nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đến năm 2030 và 2050

Sản lượng điện sạch giảm, châu Âu đối mặt phát thải tăng

Chính thức phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh