Thu nhập cao nhờ na Chi Lăng
Tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 3.200ha na, cho năng suất trung bình 97,4 tạ/ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm. Năm 2011, na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng” và được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Đặc sản “Na Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn; được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam; năm 2017 - 2018, được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Na là nông sản thế mạnh của Lạng Sơn |
Hiện nay, na Chi Lăng được trồng theo tiêu chuẩn sản xuất tốt, sạch, thân thiện với môi trường (VietGAP, Global GAP), sản phẩm thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh, Hà Nội, một số tỉnh lân cận và xuất khẩu quả tươi sang thị trường Trung Quốc.
Trong thời gian qua, tỉnh đã nhiều lần tổ chức thành công Ngày hội na Lạng Sơn tại huyện Chi Lăng - thủ phủ vùng na Lạng Sơn. Sự kiện thu hút hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc đến tham quan, khảo sát và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hàng chục nghìn người tham dự, tham quan và thưởng thức na tại vườn. “Na được xem là nông sản thế mạnh của Lạng Sơn, với sản lượng hàng năm đạt trên 35 nghìn tấn, tổng giá trị sản xuất na thu được ước khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên mỗi ha canh tác na đạt 275 triệu đồng” - ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn - cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Lương Trọng Quỳnh, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kết nối giao thương giữa các địa phương gặp khó khăn. Do đó, kết nối quảng bá quả na và nông sản, đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, giúp kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh của Lạng Sơn và Thủ đô. Qua đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư phát triển thị trường nông sản, nhiều mặt hàng nông sản sẽ tìm được hướng đi mới, phát triển lên tầm cao mới.
Bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc HTX Nông sản huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) - cho hay, trước đây, bà con trên địa bàn sản xuất nông sản thường theo hình thức tự sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá bấp bênh. Do đó, HTX đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường. Tham gia các hội chợ, phiên chợ tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lý kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá thương hiệu quả na đặc sản của quê hương mình.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, xây dựng liên kết bền chặt giữa HTX với đơn vị thu mua quyết định thành công của việc duy trì, phát triển chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, kết quả của những kết nối, hợp tác sẽ không dừng tại diễn đàn và hội chợ, mà còn lan tỏa qua cẩm nang điện tử, chương trình truyền thông, xu hướng mạng xã hội để đông đảo các đơn vị trong và ngoài nước biết đến. Cho rằng na Lạng Sơn và mãng cầu Tây Ninh có những nét tương đồng, ông Toản đề nghị địa phương xây dựng lộ trình xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Với riêng Lạng Sơn, việc khai thác những giá trị gắn với lịch sử, văn hóa sẵn có.
Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Để đưa na và nông đặc sản Lạng Sơn đến gần các đô thị lớn, cần thay đổi toàn diện, từ cách bán cho tới đóng hộp, dán tem, số hóa, minh bạch thông tin, giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. |