Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thăm gian hàng UCA Mart |
Lực đẩy cho nông sản an toàn
Những cánh đồng, ruộng rau bạt ngàn, mướt xanh, kéo dài hút tầm mắt từ lâu đã là hình ảnh quen thuộc của nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nông sản kém an toàn, nông sản “bẩn” đang trở thành nỗi ám ảnh cho không ít người tiêu dùng Việt. Không ít vụ việc nông sản bẩn bị phanh phui đã gây ám ảnh cho người tiêu dùng, đồng thời làm xấu hình ảnh nông sản Việt. Chính vì vậy, muốn tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước, giải pháp mấu chốt nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm.
Giữa tháng 6 vừa qua, cửa hàng thứ 7 của UCA Mart - siêu thị nằm trong chuỗi sản xuất nông sản an toàn của Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) đã chính thức khai trương tại Hà Nội. UCA Mart nói riêng và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của UCA nói chung ra đời nhằm xây dựng một chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam với mục tiêu và tiêu chí đồng nhất một loại giống, đồng nhất một công nghệ, đồng nhất một sản phẩm. Trên cơ sở xây dựng sản phẩm chủ lực phù hợp với vùng miền trên toàn quốc sẽ xây dựng thương hiệu nông sản an toàn Việt Nam phục vụ thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị UCA cho biết: “Bà con nông dân không ai muốn sản xuất nông sản kém an toàn. Nền sản xuất kém an toàn hiện nay là hệ lụy của việc bà con chưa có được định hướng sản xuất tốt; vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo cảm quan; chưa tìm được thị trường ổn định cho sản phẩm. Nếu có được định hướng tốt, thị trường ổn định, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của nước ta không chỉ là nguồn cung cấp nông sản an toàn dồi dào cho người tiêu dùng mà còn có khả năng xuất khẩu một lượng lớn”.
Theo đó, UCA được thành lập với mục tiêu tạo mối liên kết, là đầu kéo cũng như “bà đỡ” cho các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng nên các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn; góp phần xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất quy mô lớn về nông sản và thực phẩm an toàn cho quốc gia, tiến tới phục vụ xuất khẩu.
UCA hoạt động theo hình thức làm việc với các hợp tác xã địa phương để mời bà con tham gia vào chuỗi sản xuất. UCA sẽ hỗ trợ phân bón, giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con sản xuất đúng quy trình và UCA sẽ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chuẩn. Quy trình bao tiêu được đảm bảo an toàn tuyệt đối do toàn bộ sản phẩm được cán bộ UCA giám sát chặt chẽ quá trình thu hoạch, đảm bảo không có sản phẩm kém an toàn được trà trộn vào. Hệ thống xe chuyên dụng với công nghệ bảo quản tiên tiến của UCA cũng chở sản phẩm về ngay sau khi thu hoạch, đảm bảo độ tươi ngon và an toàn.
“Với tất cả các vùng trồng trọt, chăn nuôi, UCA cho cán bộ xuống để kiểm tra nước, không khí, đất để nghiên cứu và quyết định xem vùng đất đó nên phát triển cây gì, giống gì là tốt nhất. Sau đó là xây dựng tiêu chuẩn VietGap, HACCP và bao tiêu sản phẩm cho người dân” - ông Tuấn giải thích.
Để đảm bảo không bị khủng hoảng đầu ra, người đứng đầu UCA cho hay, UCA sẽ gửi thông tin đặt hàng cụ thể xuống cho hợp tác xã. Cụ thể, đặt hàng hợp tác xã A sản xuất cho 10 tấn chôm chôm, hợp tác xã B sản xuất 10 tấn sầu riêng, hợp tác xã C sản xuất 10 tấn thanh long... thì UCA tiêu thụ hết chứ không có chuyện, thanh long được giá thì tất cả cùng làm thanh long. Tình trạng “được mùa mất giá” sẽ không xảy ra bởi UCA có trách nhiệm điều phối sản xuất, tránh chồng chéo.
“Liên hiệp sẽ cùng với các tỉnh để thành lập liên hợp tác xã của từng tỉnh, phối kết hợp với nhau, đó là mục tiêu lớn của chúng tôi” – ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Hướng tới tiêu thụ bền vững
Kiên định với mục tiêu của mình, dù còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay, UCA đã xây dựng được mạng lưới sản xuất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời khai trương được 7 siêu thị UCA Mart trên địa bàn Hà Nội.
Không chỉ xây dựng hệ thống siêu thị tiêu thụ sản phẩm, UCA còn làm việc với một số hệ thống bán lẻ nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho hệ thống này. “Tính trung bình, hiện nay, một siêu thị cần 30 người để vận hành một gian hàng rau củ quả. Chưa kể, dù muốn hình thành nhiều chuỗi an toàn nhưng tiềm lực sản xuất của doanh nghiệp còn hạn chế nên sản phẩm chưa đa dạng. Do đó, nếu có được sự hợp tác với các chuỗi siêu thị, không chỉ siêu thị giảm được chi phí, có được nguồn nông sản an toàn ổn định mà sản phẩm của UCA còn được tiêu thụ tốt hơn” – ông Tuấn khẳng định.
UCA cũng lên kế hoạch làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để cung cấp sản phẩm cho các trường học trên địa bàn thành phố. Mục tiêu duy nhất của UCA là cung cấp thực phẩm an toàn ổn định cho các trường đại học nhằm góp phần giữ gìn sức khỏe cho các em học sinh, góp phần cho một thế hệ người Việt mạnh khỏe.