Chủ nhật 29/12/2024 09:00

“Thông đường” cho nông sản Việt sang Trung Quốc giữa dịch Covid-19

Dịch Covid-19 khiến nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nói chung và trái vải của Bắc Giang nói riêng lo ngại sẽ bị tắc nghẽn khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khơi thông con đường đưa nông sản sang Trung Quốc, giải "bài toán" đầu ra cho doanh nghiệp, nông dân trong bối cảnh khó khăn như hiện nay đang được Bộ Công Thương nỗ lực triển khai thực hiện.

Hỗ trợ tối đa cho xuất khẩu trái vải Bắc Giang giữa 'bão' Covid-19

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước tính sản lượng vải thiều vụ này sẽ đạt 180 nghìn tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với năm 2020. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đúng thời điểm thu hoạch, khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn.

Bà Lê Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương)- nhận định, sản lượng vải của Bắc Giang chiếm 80% sản lượng vải của cả nước, trong khi đó thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, chiếm 90%. Theo báo cáo của tỉnh, năm nay sản lượng vải của Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Nếu giữ mức xuất khẩu như năm ngoái khoảng 47% thì chúng ta phải tìm đầu ra cho 85 nghìn tấn vải.

Thu hoạch vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang)

Để hỗ trợ tiêu thụ trái vải Bắc Giang nói riêng và tiêu thụ nông sản đến vụ nói chung, đặc biệt là đưa ra các biện pháp thay thế khi 190 thương nhân Trung Quốc không thể sang Bắc Giang mua hàng đợt này, bà Lê Hoàng Oanh cho biết: Vụ Thị trường châu Á- châu Phi đang chỉ đạo quyết liệt chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Vân Nam và Quảng Tây làm việc với phía Trung Quốc tạm thời miễn kiểm tra các lô vải đảm bảo chất lượng do Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang bảo lãnh. “Nếu Trung Quốc đồng ý phương án này, theo tôi đây là giải pháp rất thuận lợi để có thể xuất khẩu sang các thị trường trong đó có thị trường Trung Quốc”, bà Lê Hoàng Oanh nói.

Trong trường hợp các thương nhân Trung Quốc không thể sang Bắc Giang để mua hàng, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thông qua các chuyên viên của Vụ tại thị trường này để duy trì liên lạc thường xuyên với 190 thương nhân, hỗ trợ đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng nếu tỉnh yêu cầu, theo sự hướng dẫn của tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, Vụ đã chỉ đạo các chi nhánh tại Vân Nam và Quảng Tây theo dõi sát tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc, kịp thời kiến nghị các biện pháp truyền thông cho người tiêu dùng tại thị trường này về việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh, khử khuẩn đối với trái vải của Bắc Giang.

Ông Phan Văn Chinh- - Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương và Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang

Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc năm 2020 đạt 8,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương)- chia sẻ: Chúng tôi luôn tạo điều kiện xuất khẩu thuận lợi nhất cho nông sản. Riêng đối với trái vải, hiện đang xuất khẩu qua các cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), mỗi ngày có khoảng 100 xe vải, số lượng này chưa phải là nhiều.

Để hỗ trợ xuất khẩu trái vải Bắc Giang nói riêng và nông sản đến vụ nói chung sang thị trường Trung Quốc, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã trao đổi với các Ban quản lý các cửa khẩu lớn và các Sở Công Thương các tỉnh trong vấn đề tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu vải qua các tỉnh biên giới. Đặc biệt, hiện nay tất cả các xe vải của Bắc Giang lên sẽ được đi thẳng xuống khu cách ly và làm các thủ tục theo quy trình Bộ Y tế và Bộ Công Thương và các tỉnh đã thống nhất. Đồng thời, ưu tiên trong thông quan cho trái vải. “Về tình hình bên kia biên giới, phía Trung Quốc yêu cầu lái xe trong khu vực cách ly 3 ngày phải kiểm tra Covid-19 một lần. Việc này đang thực hiện rất tốt”, ông Phan Văn Chinh cho biết thêm.

Vấn đề thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất Nhập khẩu hiện đã bố trí lực lượng cấp giấy chứng nhận xuất xứ ngay tại các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn để sẵn sàng phục vụ các doanh nghiệp khi đưa hàng hóa lên được thông quan ngay, tạo điều kiện tối đa cho các xe nông sản, đặc biệt là vải Bắc Giang được thông quan nhanh chóng.

Cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

Khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương: Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân, đã, đang và sẽ luôn luôn là ưu tiên số một của Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân.

Bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ từ phía Bộ, liên quan đến vấn đề xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các địa phương trong đó có Bắc Giang cần xây dựng chiến lược 4 bước. Thứ nhất, tạo lòng tin về độ an toàn của quả vải. Việc này, Bắc Giang đã xây dựng quy trình rồi, tuy nhiên, quy trình này nếu được sự xác nhận chính thức của Bộ Y tế thì sẽ tạo lòng tin lớn hơn nữa cho người dùng ở thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, tạo ra lòng tin về quy cách, chất lượng, số lượng sản phẩm. Tình hình năm nay, có thể thương nhân Trung Quốc không qua được Bắc Giang. Vậy làm thế nào để họ có được lòng tin mặc dù họ không có mặt tại Bắc Giang? Việc này, chắc chắn tỉnh phải đánh giá. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị, tỉnh Bắc Giang nên giao trách nhiệm cho Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đứng ra xác nhận vấn đề này. Làm thế nào để trên từng thùng xốp, từng bao bì có tem dán của tỉnh Bắc Giang thì nhà nhập khẩu có thể yên tâm hoàn toàn sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Thứ ba, Bộ Công Thương kêu gọi không chỉ Bắc Giang mà tất cả các tỉnh thành có nông sản xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ sẽ cùng với Lạng Sơn, Lào Cai xây dựng quy trình ưu tiên cho quả vải của Bắc Giang và các địa phương đi qua cửa khẩu chính ngạch.

Về phía địa phương, đề nghị Bắc Giang có các doanh nghiệp đủ lớn, đủ uy tín để liên hệ với khách hàng nước ngoài, để ký kết các hợp đồng bán theo đường chính ngạch. Nếu không có các doanh nghiệp đó thì Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đứng ra làm việc này. Việc xuất khẩu chính ngạch sẽ có VAT, do đó, các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc cũng cần bàn nhau cách chia sẻ chi phí này.

Thứ 4, vấn đề lưu chuyển hàng hóa của địa phương lên cửa khẩu theo đánh giá của Bộ Công Thương về cơ bản không có vấn đề gì. Nhưng nếu có bất kỳ vấn đề gì, mong địa phương sẽ cùng phối hợp với Bộ Công Thương để cùng tháo gỡ. “Chúng tôi sẽ làm việc với Lạng Sơn và Lào Cai để bảo đảm sự lưu thông thông suốt hàng hóa từ Bắc Giang lên hai cửa khẩu chính xuất khẩu là Lào Cai và Hữu Nghị”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Tăng chế biến sâu và đa dạng hóa thị trường

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu trái vải vào thị trường Trung Quốc, hiện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, phối hợp với các thương vụ tại Nhật Bản, Australia, Singapore tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ trái vải của Bắc Giang vào các hệ thống phân phối lớn và trên nền tảng thương mại điện tử.

Và trong sáng nay (26/5), lô vải thiều đầu tiên trong mùa vụ năm nay của tỉnh Bắc Giang chính thức lên đường sang Nhật Bản. Số lượng xuất khẩu đợt này khoảng 15 tấn. Có 3 đơn vị cùng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản là Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

“Năm ngoái, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa chuyên gia của Nhật Bản vào đánh giá vùng trồng và đánh giá chất lượng quả vải để đưa vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, việc xuất khẩu mới chủ yếu đưa vào siêu thị AEON. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tổ chức kết nối để đưa vào chuỗi siêu thị tại Nhật Bản nhiều hơn nữa, nhất là các khu vực đông dân tại thị trường này”, bà Võ Hồng Anh nói.

Cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chức năng trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản nói chung và trái vải nói riêng, bà Võ Hồng Anh cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua nhiều hình thức; hướng dẫn trực tuyến doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc trong việc thu mua vận chuyển vải để đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đóng gói bao bì, kiểm tra chất lượng, dán tem đảm bảo.

Bên cạnh đó, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu trái vải tươi, việc đẩy mạnh công tác chế biến đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị gia tăng giảm áp lực tiêu thụ ở cùng một thời điểm cũng được các đơn vị khuyến nghị.

Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 24/5 đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các ngành “cứu” lấy vải thiều Bắc Giang, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên cả nước nói chung.

Ngay sau đó, trong sáng ngày 25/5, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhằm tập trung bàn về giải pháp góp phần cùng Bắc Giang tiêu thụ các nông sản tới vụ; giải pháp để chống đứt gãy chuỗi cung ứng các sản phẩm thiết yếu; và giải pháp để phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời khôi phục sản xuất, bảo đảm không bị đứt, gãy chuỗi sản xuất.

Tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đề nghị Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều qua trên môi trường số, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng....

Tại buổi tiếp Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba diễn ra chiều ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện cho việc tiêu thụ các loại hoa quả, nông sản của Việt Nam, nhất là những loại trái cây sắp vào vụ thu hoạch như vải thiều, nhãn, xoài của Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La và các địa phương khác của 3 miền.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Giá trị miến dong Kiên Sơn tăng cao nhờ kinh doanh trên Sàn Việt

Thương mại điện tử thổi luồng sinh khí mới cho hợp tác xã

Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Mật ong Cẩm Tú - Tinh hoa từ vườn nhãn lên sàn thương mại điện tử

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Khai mạc Chương trình Phố rượu vang, trà, cà phê và đặc sản Đà Lạt

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ