Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’
Vừa qua, Campaign Asia - tạp chí kinh doanh uy tín về quảng cáo và truyền thông, đã công bố Top 10 thương hiệu thời trang hàng đầu Đông Nam Á năm 2024. Theo đó, Việt Nam có 2 thương hiệu là Việt Tiến và Yody có tên trong danh sách với vị trí thứ 3 và thứ 7. Các thương hiệu của Việt Nam sánh tên cùng những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Uniqlo (Nhật Bản), Nike (Mỹ), Bench (Philippines), Adidas (Đức), Dior (Pháp), Levi's (Mỹ).
Kết quả này được Campaign Asia khảo sát và đánh giá các thương hiệu thời trang tại 6 thị trường gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Singapore. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: Nhận thức thương hiệu; tỉ lệ mua hàng; chất lượng sản phẩm; trải nghiệm mua sắm; dịch vụ khách hàng; độ tin cậy; sự đổi mới; các điểm tiếp xúc thương hiệu; mức độ ủng hộ và giới thiệu.
Thương hiệu thời trang Việt ngày một 'có tiếng' trên thị trường thế giới. Ảnh: Vitas |
Việc có 2 thương hiệu Việt Nam lọt Top 10 cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang trong nước, bắt đầu có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu hàng đầu trong khu vực.
Kết quả này là sự nỗ lực nhiều năm phát triển ngành thời trang của Việt Nam. Là sự chuyển dịch tư duy từ sản xuất gia công “lấy công làm lãi” sang khát vọng chiếm giữ vị trí cao hơn trong chuỗi toàn cầu. Một điều dễ hiểu, những doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mạnh mới là những đối tượng đứng đầu chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thu về cũng cao hơn hẳn.
Nhìn lại quá trình xây dựng thương hiệu của Việt Tiến mới thấy những nỗ lực không nhỏ. Từ một xưởng may của người Hoa tại Sài Gòn do những người lính tiếp quản sau giải phóng miền Nam, chỉ vẻn vẹn 100 công nhân chuyên sản xuất các mặt hàng bảo hộ cho thị trường nội địa rồi chuyển dần sang sản xuất áo sơ mi, quần tây các loại, áo jacket.
Đến nay, Việt Tiến được biết đến với các dòng thương hiệu thời trang từ bình dân đến cao cấp, như: San Sciaro, Viettien Smartcasual, Manhatta, Việt Long hay Viettien Kids. Sản phẩm của Việt Tiến phủ khắp thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Yody tuy “sinh sau” nhưng thương hiệu thời trang này nhanh chóng có được vị trí trên thị trường bởi khả năng nắm bắt thị hiếu và đặc biệt đáp ứng rất nhanh các nhu cầu. Yody từng làm mưa làm gió trên các kênh bán hàng thương mại điện tử.
Ngoài ra, có thể kể tới Tổng công ty May 10 - CTCP, bên cạnh thương hiệu truyền thống Grus đã gắn liền với thị trường trong nước hơn 30 năm qua, May 10 còn phát triển nhiều dòng sản phẩm như: May10 Expert, May10 Series, May10 Classic, May10 Classic Suit… Hay Tổng công ty Đức Giang cũng nổi danh với thương hiệu thời trang HeraDG, S.PEARL...
Thực tế, xây dựng được một thương hiệu thời trang đã khó, ‘nuôi dưỡng’ lớn mạnh lại càng khó hơn những người gắn bó với ngành dệt may vẫn ước mơ về một thương hiệu thời trang ‘trăm năm’ tuổi.
Quả thực, trên thị trường thời trang Việt Nam có những thương hiệu vững vàng nhưng cũng có những thương hiệu buộc phải dừng ‘cuộc chơi’ chỉ sau vài năm tới cả chục năm xây dựng phát triển.
Bị áp đảo trong cuộc chiến cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài là một nguyên nhân khiến thương hiệu thời trang Việt Nam khó đứng vững ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, như lời ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, thị trường thời trang đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của việc mua sắm và thói quen người tiêu dùng. Các cửa hàng truyền thống đã trở nên ít hiệu quả hơn. Nhiều khách hàng chuyển sang mua online, nên các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bán hàng trực tiếp nay cũng chuyển sang bán online và livestream nhiều hơn.
Để có thương hiệu thời trang mạnh đòi hỏi nhiều yếu tố, từ nghiên cứu phát triển thị trường, mẫu mã, vốn, nguyên liệu… Với kinh nghiệm lâu năm và theo dõi bước tiến của ngành dệt may Việt Nam nhiều thập kỷ qua, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - nhìn nhận, để thời trang Việt xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia, trước hết phải hoạch định ra sản phẩm nào là sản phẩm đưa vào xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa ra thị trường thế giới.
Thiết nghĩ, khi chọn ra những thương hiệu cụ thể, Nhà nước hoạch định cho việc hỗ trợ về tài chính, điều kiện để "nuôi" thương hiệu, đồng thời đặt ra những mục tiêu cụ thể. Cùng đó, tạo "sân chơi" cho các nhà thiết kế thời trang để họ trình diễn, giới thiệu những mẫu mã ra thị trường thế giới. Và đặc biệt phải chủ động được nguyên phụ liệu trong nước mới có thể phát triển công nghiệp thời trang. “Không thể phát triển ngành công nghiệp thời trang, xây dựng thương hiệu tầm cỡ thế giới trên nguyên liệu của người khác như hiện nay”, ông Giang nhấn mạnh.