Thị trường Vương quốc Anh - Hàng Việt giữ “phong độ”
Thương mại tiếp tục tăng trưởng
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh- cho biết, hợp tác thương mại Việt- Anh liên tục tăng trưởng những năm gần đây, từ mức hơn 800 triệu bảng (1,28 tỷ USD) năm 2005 lên 3,17 tỷ bảng Anh (5,1 tỷ USD) năm 2013, gấp gần 4 lần; 11 tháng đầu năm 2014 đạt trên 4 tỷ USD.
Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu vào Anh bao gồm: Điện thoại di động, giày dép, dệt may, đồ gỗ nội- ngoại thất, máy móc, thiết bị, nhựa và các sản phẩm nhựa, trà, cà phê, gia vị, thủy - hải sản, hoa quả... và nhập khẩu từ Anh: Máy động cơ và thiết bị cơ khí, các sản phẩm hóa chất, thiết bị điện, linh kiện điện thoại, máy ghi hình, máy ghi âm, dược phẩm...
Theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), nhìn chung, thương mại song phương Việt- Anh có một số lợi thế chính nhờ cơ cấu kinh tế có tính chất bổ sung lẫn nhau, dự báo quan hệ thương mại song phương sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt trong năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với Anh cũng gặp không ít khó khăn, đó là sự chênh lệch về trình độ phát triển, văn hóa và tập quán kinh doanh, khoảng cách địa lý và đặc biệt là năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam chưa cao, chưa khẳng định được vị thế so với các hàng hóa cùng loại được cung cấp bởi các đối thủ cạnh tranh khác...
Năm 2015, Thương vụ dự kiến sẽ tham gia 2 hội chợ thương mại về hàng nội, ngoại thất được tổ chức vào tháng 2 và 5; hội chợ về nông sản và thực phẩm chế biến; một số hội nghị chuyên đề khác. Thương vụ sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá và xúc tiến xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp nhẹ và nông sản chế biến vào Anh. |
Những lưu ý khi XTTM sang Anh
Anh là thành viên của EU nên hệ thống các luật, quy định quản lý nhập khẩu đều thống nhất với chính sách của EU.
Cơ quan thương vụ lưu ý tới các doanh nghiệp: Hàng hóa ngoài EU khi nhập khẩu vào Anh phải khai báo hải quan, nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; nếu là hàng xa xỉ như rượu, bia thì phải nộp thêm thuế tiêu thụ; nếu là hàng lương thực, thực phẩm thì phải có giấy phép nhập khẩu, phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý về việc được hưởng ưu đãi theo Cơ chế thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) của EU. Tại Anh, tất cả các thông tin về các công ty, các mặt hàng vi phạm quy định, hay các thông tin về dịch vụ công, quản lý hoặc hướng dẫn thủ tục... đều được nước bạn công bố minh bạch trên mạng.
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Anh đặc biệt chú trọng tới quảng bá hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đến khách hàng Anh. Thương vụ đã phối hợp với các cơ quan XTTM, đầu tư của Anh tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị bàn tròn giữa các doanh nghiệp hai bên; hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp, cán bộ của Việt Nam sang Anh tìm hiểu thị trường, tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo...