Thanh lọc ngành phân bón hướng đến việc đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng |
Hàng tỷ USD nhập phân bón
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, 11 tháng năm 2017, khối lượng và giá trị NK phân bón ước đạt 4,27 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 15,5% về khối lượng và tăng 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn phân bón NK chủ yếu từ Trung Quốc chiếm tới 37,4% tổng giá trị NK mặt hàng này, 10 tháng năm 2017 tăng 1,7% về khối lượng và tăng 3,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2016; giá trị NK tăng mạnh trong 10 tháng là thị trường Nhật Bản (tăng 53%), tiếp đến là thị trường Hàn Quốc và Nga (tăng hơn 33%).
Trước thực trạng trên, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao - khẳng định, thị trường phân bón tại thời điểm này lượng cung lớn hơn cầu. Do NK quá ồ ạt nhiều loại phân bón dẫn tới dư thừa, tạo sức ép cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp (DN) trong nước.
Bảo vệ sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu
Trước áp lực NK tăng, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra giải pháp siết chặt nguồn cung thông qua kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng. Theo đó, chỉ những sản phẩm phân bón đảm bảo chất lượng và có đặc điểm vượt trội mới được cấp phép. Việc thanh lọc ngành phân bón sẽ làm cô đọng nguồn cung và hướng đến việc đưa những sản phẩm chất lượng ra thị trường.
Bên cạnh đó, Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời cho sản phẩm DAP/MAP NK vào Việt Nam của Bộ Công Thương đã gỡ khó phần nào cho DN nội trước áp lực từ phân bón NK. Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - khẳng định, biện pháp tự vệ có mục tiêu rõ ràng, các DN sản xuất phân bón trong nước sẽ được cạnh tranh bình đẳng lâu dài với phân bón NK.
Một đề xuất khác cũng được kỳ vọng cho ngành phân bón, đó là đề xuất chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) thành mặt hàng chịu thuế và đưa về mức thuế VAT 5% như trước kia vẫn áp dụng. Nếu đề xuất được Quốc hội thông qua, DN sản xuất phân bón có thể được hoàn thuế VAT đầu vào, theo đó sẽ tiết giảm được chi phí sản xuất, cải thiện kết quả kinh doanh.
Nhằm ổn định đầu ra cho sản xuất và hạn chế các tác động bất lợi từ sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước, các DN phân bón đã chủ động xây dựng kế hoạch ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Đơn cử như Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã tập trung đổi mới công nghệ, sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, cạnh tranh với hàng NK, đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu (XK) ở một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Các DN như: Bình Điền, Đạm Phú Mỹ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh XK Ure sang thị trường Malaysia, Myanmar, Thái Lan - những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng, tính cạnh tranh về giá.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương): DN ngành phân bón nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới mà Việt Nam đang thiếu như: Sản xuất phân bón SA, phân Kali để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, giảm thiểu lượng phân bón NK. |