Hà Nội và những bước chuyển mình của ngành bán lẻ Thủ đô Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ thống phân phối bán lẻ |
Thị trường hấp dẫn
Dịp cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang nỗ lực mở các điểm bán mới để kịp phục vụ người tiêu dùng cuối năm. Giữa tháng 11 vừa qua, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) liên tiếp đưa vào hoạt động 2 đại siêu thị Co.opXtra tại TP Hồ Chí Minh trong tháng 10 và 11 (Co.opXtra Long Bình tại TP Thủ Đức và Co.opXtra đường Tạ Quang Bửu, quận 8).
Một nhà bán lẻ khác là WinCommerce cũng cho biết, sẽ đẩy nhanh tốc độ mở mới cửa hàng trong nửa cuối năm 2024. Sau 10 năm phát triển và không ngừng đổi mới, hệ thống đã mở rộng quy mô lên tới gần 4.000 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN, phủ sóng tại 62 tỉnh, thành để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của khách hàng. Riêng trong tháng 11 vừa qua, hệ thống đã khai trương thêm 44 cửa hàng mới, tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu vượt 4.000 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN tính đến hết năm 2024.
Thị trường bán lẻ Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định thời gian qua (Ảnh: Kim Ngân) |
Ngoài các doanh nghiệp lớn, tại các địa phương, các điểm bán hàng Việt cũng đang được các đơn vị chức năng khai trương. Mới đây, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc vừa tổ chức khai trương 3 điểm bán hàng Việt Nam năm 2024 nhằm từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, hướng tới ưu tiên mua sắm và sử dụng các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.
Theo Sở Công Thương Vĩnh Phúc, các điểm bán hàng Việt đặt tại cửa hàng tiện ích của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương Thắm (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên); siêu thị tiện ích H-Mark (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên) và siêu thị tiện ích Mini mark Tuyết Nhung (thôn Ngọc Đường, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc). Đây là các điểm quảng bá, tiêu thụ đặc sản của địa phương, giúp hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu uy tín trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ các tiểu thương, nhà bán lẻ, siêu thị tăng doanh số bán hàng.
Động thái của các doanh nghiệp bán lẻ này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.487,3 ngàn tỉ đồng (khoảng 177 tỉ đô la Mỹ), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu và trong khoảng từ 5 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, bất chấp việc vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống nhưng nhiều dự báo vẫn đánh giá, ngành bán lẻ có tiềm năng bứt phá trong những năm tới trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Thị trường hơn 100 triệu dân đang dần tiệm cận ngưỡng giá trị 200 tỉ đô la Mỹ, tiếp tục là “miếng bánh” rất hấp dẫn.
Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, hệ thống bán lẻ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định rằng phát triển hệ thống bán lẻ là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.
“Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ của chúng ta đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ” - ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Để tận dụng thị trường gần 200 tỷ USD
Dù có tiềm năng lớn, song 11 tháng qua, mức tăng của tổng mức bán lẻ đã giảm so với con số cùng kỳ của năm ngoái. Cụ thể, 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, tình hình khó khăn của nền kinh tế khiến thu nhập của người dân giảm sút, khiến họ vẫn đang tập trung nhiều hơn vào việc mua sắm các sản phẩm thiết yếu.
Báo cáo của NielsenIQ cũng cho thấy áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam hiện chỉ đủ khả năng chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản, trong khi những khoản chi tiêu xa xỉ bị cắt giảm đáng kể.
Tỷ lệ chi tiêu cho thực phẩm trong tổng thu nhập đã tăng từ 50% lên 54% trong quí 3/2024, phản ánh xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, điều này thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các kênh bán lẻ truyền thống như chợ và tạp hóa sang các mô hình hiện đại hơn như siêu thị mini và sàn thương mại điện tử, nơi người mua có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành bán lẻ, giúp doanh nghiệp tận dụng được tối đa cơ hội từ thị trường 200 tỷ USD, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại; trong đó, đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.
Mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác; trong đó, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.
Về phía doanh nghiệp, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế, Wincommerce đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu tư phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại… nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ.
TS Lê Quốc Phương cho rằng, các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của người tiêu dùng để nâng cao sức cạnh tranh.