Thị trường lao động: Còn những gập ghềnh
Lượng và chất chưa hài hòa
Năm 2023, tình trạng lao động giãn việc, thôi việc, mất việc giảm mạnh ở những tháng cuối năm, khiến thị trường lao động Việt Nam có sự tiến triển nhất định.
Dệt may được dự báo là ngành nghề thu hút lao động trong thời gian tới. Ảnh Trường Sơn |
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666.500 người so với năm trước. Trong đó, 51,3 triệu lao động có việc làm.
Đáng chú ý, từ tháng 9/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động. Trong tháng 10, tháng 11/2023, thị trường lao động khởi sắc theo đà phục hồi của kinh tế - xã hội.
Tuy có những tín hiệu tích cực, song giới chuyên gia đánh giá: Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động, khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Thực tế, năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới đạt 27,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm trước. Như vậy, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động - ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định.
Bên cạnh đó cũng có sự so sánh từ năm 2020 đến nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19) cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ năm 2023 dường như chậm lại. Nếu năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm lần lượt 1,0 điểm phần trăm, 1,6 điểm phần trăm và tăng lên tương ứng ở hai khu vực còn lại (khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,5 điểm phần trăm và tăng 0,3 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 0,5 điểm phần trăm và tăng 1,2 điểm phần trăm) thì đến năm 2023 tỷ trọng lao động trong ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm.
Đáng nói, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (năm 2023 là 7,63%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,91%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với năm trước.
Vẫn còn những bất ổn
Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng mới trong những tháng đầu năm 2024, kinh doanh được mở rộng và các dự án trọng điểm cũng bắt đầu đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại đã tạo hy vọng tươi sáng cho bức tranh lao động, việc làm trong năm mới.
Thực tế tại Công ty May Hưng Yên đã bắt đầu nhận được đơn hàng cho đến hết quý I/2024. Điều này khiến nhiều người lao động vô cùng phấn khởi vì được tăng ca trở lại. Theo doanh nghiệp, dù đơn hàng chỉ nhích lên từ 10 - 20%, song đó là cả một sự nỗ lực để đảm bảo mức lương ổn định cho người lao động từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sự khởi sắc này không phải ở tất cả, trong bối cảnh chung, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, đơn hàng sản xuất chưa phủ công suất.
Vì vậy, nhận định về tình hình thị trường lao động năm 2024, giới chuyên gia cho biết: Thách thức nổi cộm nhất là việc mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra khiến nơi cần không có, nơi có không cần, giảm động lực phát triển kinh tế địa phương, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp; mất sức hút đầu tư, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết quả này là hệ quả từ công tác định hướng đào tạo, công tác dự báo thị trường lao động của chúng ta chưa tốt. Việc này dẫn tới người lao động không có định hướng học tập cho tương lai. Cơ sở đào tạo cũng không biết trong tương lai xã hội sẽ cần ngành nghề gì để điều chỉnh mô hình cho phù hợp. Doanh nghiệp không có thông tin để xác định vùng nào có lợi thế về nhân lực để đầu tư mở rộng sản xuất, phù hợp với nhân lực của địa phương đó.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – cho biết: Qua theo dõi có nhiều ngành khởi sắc, nhiều ngành có việc làm đến hết tháng 6/2024, tuy nhiên một số ngành thiếu lao động. Vấn đề đặt ra giữa doanh nghiệp thiếu và đáp ứng từ phía người lao động hiện nay rất khác nhau.
Thị trường lao động từ lâu đã được xếp ngang với những thị trường trọng yếu của nền kinh tế như thị trường vốn, bất động sản… Việc phát triển thị trường lao động chất lượng có vai trò quan trọng, phản ánh rõ nét bức tranh nền kinh tế của đất nước. Vì vậy, chúng ta không thể “thả nổi” cho thị trường lao động tự do phát triển, chỉ chú trọng đào tạo những gì chúng ta có hoặc có lợi thế, mà cần có hệ thống, chiến lược phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.
Giới chuyên gia cũng dự báo về những ngành nghề thu hút đông lao động thời gian tới, đó là: Những ngành nghề liên quan quan chế biến chế tạo, dệt may, da giày, chế biến gỗ... Ngành nghề này không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao. |