Thứ ba 22/04/2025 02:03

Thị trường khách sạn, căn hộ dịch vụ bứt tốc nhờ du lịch

Thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ khởi sắc trên cả nước nhờ du lịch hút khách quốc tế trở lại.

Thị trường phục hồi nhờ du lịch quốc tế tăng trưởng ấn tượng

Báo cáo quý I/2025 của Savills Hà Nội cho thấy, ngành khách sạn và căn hộ dịch vụ tại Thủ đô tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ, với công suất phòng trung bình đạt 76%, tăng 11 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2024. Riêng phân khúc 4 và 5 sao ghi nhận mức tăng lần lượt 6 và 5 điểm phần trăm, phản ánh nhu cầu lưu trú cao cấp đang tăng nhanh.

Giá thuê phòng trung bình trong quý cũng tăng nhẹ 2% so với quý IV/2024 và tăng 2-5% tùy phân khúc. Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội - nhận định: “Thị trường phục hồi chủ yếu nhờ lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục hơn 6 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm”.

Riêng Hà Nội đón gần 1,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú toàn thành phố đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 19,6%. Xu hướng tích cực cũng ghi nhận ở các địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh (doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 10,5%), Đà Nẵng (tăng trưởng 34,23%) và Quảng Ninh (tăng 22,9%).

Thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ khởi sắc nhờ du lịch hồi phục. Ảnh minh họa

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Avison Young Việt Nam, thị trường căn hộ dịch vụ phục hồi tích cực nhờ nhu cầu từ khách quốc tế. Tỷ lệ lấp đầy phân khúc hạng A đạt 85%, tăng 9% so với quý trước, với giá thuê trung bình 42 USD/m²/tháng, tăng 8%. Ở Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 82%, một số dự án lên đến 90%, đặc biệt là các dự án do thương hiệu quốc tế vận hành như Somerset West Point, InterContinental Hanoi Westlake hay Sheraton Hà Nội.

Sự bứt phá này tiếp nối xu hướng hồi phục toàn thị trường từ năm 2024, khi tỷ lệ lấp đầy toàn quốc tăng gần 15 điểm phần trăm, còn giá phòng tăng khoảng 5%. Theo ông Duke Nam - Phó Chủ tịch Marriott International khu vực Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines, doanh thu trên mỗi phòng khả dụng (RevPAR) tại Việt Nam năm ngoái tăng tới 22%. Marriott hiện vận hành 25 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở thêm ít nhất 5 dự án mới trong năm nay.

Nguồn cung tăng mạnh, mô hình nghỉ dưỡng mới lên ngôi

Dự báo đến cuối năm 2025, Hà Nội sẽ có thêm 2.676 phòng thuộc 11 khách sạn 4 và 5 sao gia nhập thị trường. Tổng cộng, 68 dự án tại Thủ đô dự kiến đưa ra gần 12.000 phòng. Marriott dự định mở rộng gấp đôi quy mô hiện tại, đưa tổng số cơ sở lưu trú tại Việt Nam lên 54, trong đó năm 2025 sẽ bổ sung hơn 1.100 phòng tại Cam Ranh, Cần Thơ và Bắc Ninh.

Lý giải xu hướng tăng nguồn cung, ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam - cho rằng: “Thị trường /chu-de/bat-dong-san-nghi-duong.topic đang có triển vọng tích cực cả về tỷ lệ lấp đầy lẫn khả năng sinh lời”. Trong khi đó, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc cấp cao Savills Hotels khu vực Đông Nam Á - đánh giá Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hàng đầu châu Á, đặc biệt nhờ các mô hình nghỉ dưỡng sáng tạo như khu chăm sóc sức khỏe (wellness retreat) và nghỉ dưỡng trọn gói (all-inclusive resort).

Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng góp phần đáng kể vào đà phục hồi. Trong năm 2025, Việt Nam dự kiến nâng cấp 5 sân bay lớn gồm Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Cà Mau và Phú Quốc. Tại TP. Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành giai đoạn đầu cùng hệ thống metro kỳ vọng sẽ thúc đẩy khả năng tiếp cận, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng nhu cầu lưu trú ở khu vực ven trung tâm, đặc biệt với dòng khách du lịch kết hợp hội nghị (MICE).

Ông Duke Nam nhận định, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể đạt kỷ lục 22-23 triệu lượt trong năm 2025, là cú hích lớn giúp ngành khách sạn phục hồi hoàn toàn và củng cố vị thế Việt Nam như điểm đến hàng đầu khu vực. Chính sách thị thực điện tử cùng gia hạn thời gian lưu trú cũng được đánh giá là cú huých chính sách hiệu quả.

Với đà phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tếvà nội địa, thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ đang đứng trước cơ hội bứt phá về cả quy mô và chất lượng. Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng nguồn cung, đặc biệt ở phân khúc cao cấp, không chỉ phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào tiềm năng của ngành lưu trú mà còn đặt ra yêu cầu đổi mới trong mô hình vận hành, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, những yếu tố như vị trí chiến lược, dịch vụ chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ và xu hướng nghỉ dưỡng xanh, bền vững sẽ là chìa khóa giúp các dự án lưu trú duy trì lợi thế. Đồng thời, việc cải thiện hạ tầng giao thông, chính sách visa linh hoạt cùng khả năng kết nối vùng hiệu quả sẽ tiếp tục là lực đẩy giúp ngành khách sạn - căn hộ dịch vụ Việt Nam không chỉ hồi phục mà còn vươn lên mạnh mẽ, tiệm cận với các thị trường khu vực.
Nguyễn Vy
Bài viết cùng chủ đề: Bất động sản

Tin cùng chuyên mục