Thứ năm 21/11/2024 22:40

Thị trường Halal: Mảnh đất hứa cho hàng Việt

Thị trường Halal có quy mô hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng. Đây là cơ hội rất lớn cho hàng Việt mở rộng thị trường sang các nước Hồi giáo.

Hàng Việt và 3 lợi thế cạnh tranh tại thị trường Halal

Thị trường hàng hóa Halal đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Theo báo cáo của Pew Research Center, số người Hồi giáo trên thế giới dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường Hồi giáo sẽ có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Halal ngày càng cao. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2027 và sẽ tăng lên tới 15 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Nếu tận dụng và phát huy tốt các thế mạnh, hàng Nam sẽ ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và có chỗ đứng tại trường thực phẩm Halal toàn cầu. (Ảnh: Consovasukien.vn)

Bên cạnh đó, các nước có dân số Hồi giáo lớn như Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Malaysia đang trở thành những thị trường tiềm năng cho sản phẩm Halal.

Đáng chú ý, mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do thực phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo.

Ông Trương Xuân Trung - Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – đánh giá, hàng Việt có 3 lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.

Thứ nhất, là lợi thế về vị trí địa lý khi nằm trong khu vực Đông Nam Á và châu Á vốn tập trung đông dân số theo đạo Hồi (như Indonesia, Malaysia, khu vực Trung Đông…).

Thứ hai, Việt Nam có chủ trương và đề án phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và Châu Phi trong giai đoạn 2016 - 2025, trong đó có tuyên bố cấp cao của Chính phủ Việt Nam đối với các đối tác về thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Halal.

Thứ ba, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông sản chế biến như gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cùng các sản phẩm đồ uống…

Theo ông Trung, quy mô, nhu cầu của thị trường này là rất lớn. Đơn cử như với một thị trường Halal hàng đầu thế giới và rất gần Việt Nam là Indonesia, với hơn 240 triệu người theo đạo Hồi, nhu cầu tiêu thụ rất cao các sản phẩm Halal mà các doanh nghiệp Việt rất cần nắm bắt.

Hoặc như thị trường UAE với lượng thực phẩm, ngũ cốc Halal (gồm các sản phẩm tươi sống và đông lạnh) được tiêu thụ hàng năm khoảng hơn 420.000 tấn. Theo ông Trung, thành phố Dubai của quốc gia này cũng là nơi trung chuyển sản phẩm Halal ra toàn thế giới và có quy mô thị trường Halal vào khoảng 512 tỷ USD/năm. Hoặc như theo dự báo thị trường đồ uống Halal của UAE sẽ vượt 5,5 tỷ USD trong năm 2024 này. Những con số tương đối ấn tượng như vậy rất cần các nhà xuất khẩu của Việt Nam quan tâm đến thị trường này nhiều hơn nữa.

“Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy rằng Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào UAE nói riêng và thị trường Halal nói chung đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần khẩn trương xin giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo”, ông Trương Xuân Trung chia sẻ.

Về việc này, theo ông Nguyễn Tuấn - Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn.

Tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp ta vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế và là nước xuất khẩu nông thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Đặc biệt, vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia hay Malaysia,… những quốc gia Hồi giáo đông dân này sẽ là một trong những thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Halal là không có một tiêu chuẩn Halal duy nhất được công nhận trên toàn thế giới; không có phân loại thích hợp của từng sản phẩm Halal theo mã hải quan và khi truy xuất hay tìm kiếm dữ liệu nên quá trình xuất khẩu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết Chính phủ các nước Hồi giáo luôn yêu cầu có Giấy chứng nhận Halal về sản phẩm như một yêu cầu bắt buộc.

Bà Lý Kim Chi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm (FFA) - cho rằng, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế, ông Nguyễn Văn Cảm - Công ty CPV Food Bình Phước – chia sẻ, thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản. Hiện nay, CPV Food đã bán sản phẩm thịt gà Halal cho nhà hàng khách sạn và khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm tuân thủ sản xuất sản phẩm theo yêu cầu chứng nhận Halal, ông Nguyễn Đăng Hiến - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh, cho biết, người Hồi giáo chỉ mua sản phẩm Halal như một bằng chứng về đức tin mà Allah cho phép sử dụng sản phẩm đó.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý không nói về các tôn giáo khác nhau, không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm (phụ nữ, tôn giáo khác) trên bao bì sản phẩm, phương thức thanh toán hay dùng D/P, chuyển tiền, đặt cọc, trước, ít dùng L/C; bao bì sản phẩm phải có tiếng Ả Rập, người Ả rập thích tiếp xúc trực tiếp với đối tác kèm mẫu hàng.

Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nói chung, hàng Việt nói riêng, bà Nguyễn Minh Phương - Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay Bộ Công thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.

Bên cạnh đó, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi - Trung Đông nói riêng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư cho công tác xúc tiến thị trường, tích cực tham gia các chương trình, hoạt động hội chợ, kết nối giao thương... trực tiếp tại địa bàn thị trường.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xúc tiến thương mại

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Mở rộng thị trường gắn với Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giúp ‘kết nối’ sản phẩm DRC đến nhiều doanh nghiệp

Hàng Việt, thương hiệu Việt trong hành trình 'vươn vai vạn dặm'

Ổn định nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân Thủ đô trong mọi hoàn cảnh

Nâng cao vai trò CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Gia Lai: Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Ngành Công Thương có nhiều nỗ lực, sáng tạo, triển khai bài bản Cuộc vận động

Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Phó Chủ tịch UB TWMTTQ Tô Thị Bích Châu: Bộ Công Thương giữ vai trò nòng cốt thực hiện Cuộc vận động

15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Dấu ấn của Bộ Công Thương

Longform | Doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm Việt ‘rạng danh’ trên thị trường

Các địa phương, doanh nghiệp ‘dồn tổng lực’ kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam dịp cuối năm

Khai mạc Tuần hàng Việt Nam tại Udon Thani, Thái Lan 2024

Hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam và câu chuyện ‘tiếp sức’ cho hàng hoá Việt

Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2024

Sơn La: Tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng Việt

Yên Bái: Hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục người tiêu dùng Việt

Hà Nam: Tiếp tục vận động nhân dân xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng hàng Việt

Cao Bằng: Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao tại kênh phân phối

Lan tỏa tình yêu hàng Việt