Thị trường chung cư Hà Nội - tín hiệu vui đầu năm
- Theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ số giá giao dịch căn hộ chung cư phân khúc trung cấp trong quý IV/2013 đã tăng nhẹ. Cụ thể, tại quận Ba Đình tăng từ 81 lên 83%, quận Đống Đa tăng từ 75 lên 79%, Hà Đông tăng từ 66 lên 69%, Hoàng Mai tăng từ 71 lên 72%, Long Biên tăng từ 81 lên 82%, Tây Hồ tăng 82 lên 84%...
Đáng chú ý, ngay những ngày năm mới, tại một số sàn giao dịch bất động sản lớn khu vực Hà Đông, Linh Đàm, lượng người đến giao dịch mua bán căn hộ chung cư, nhà đất thổ cư từ 1-2 tỷ đồng cải thiện rõ rệt so với cùng thời điểm năm trước. Theo các chuyên gia bất động sản, sở dĩ nhiều người dân quyết định mua nhà thời điểm ngay sau Tết là do họ đang rất kỳ vọng vào gói vay 30.000 tỷ đồng, với điều kiện vay sẽ dễ hơn, thời hạn vay được kéo dài, lãi suất thấp.
Có thể thấy, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là sự chủ động của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực. Thanh khoản của thị trường tăng trở lại, đặc biệt ở phân khúc căn hộ bình dân. Nhờ đó, lượng hàng tồn kho đã giảm dần, tính đến thời điểm này, tồn kho bất động sản đã giảm gần 25% so với quý I/2013.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung. Niềm tin khách hàng với thị trường đang quay trở lại, trong khi doanh nghiệp liên tục mở bán sản phẩm sau một thời gian dài găm hàng chờ cơ hội.
Hiện tại, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm “sốt” giá giai đoạn 2008 - 2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Giá bất động sản đã giảm sâu về mức phù hợp với đại đa số người dân, thanh khoản thị trường từng bước được cải thiện, đặc biệt vào 2 quý cuối năm trước, dòng tiền đã quay trở lại đổ vào thị trường này, những người có tiền mua nhà là những người có nhu cầu ở thực sự.
Theo anh Phạm Minh Tuấn - một nhà đầu tư nhiều năm trên các sàn bất động sản chung cư tại Hà Nội, nhìn vào sự biến đổi của thị trường bất động sản trong năm qua, nhất là sự tiến triển tích cực ở những tháng cuối năm, năm 2014, thị trường này đã bắt đầu hồi phục, ấm dần lên. Tuy nhiên, sẽ không còn các đợt "sốt" bất thường và cơ cấu hàng hóa sẽ thiên về các căn hộ có quy mô nhỏ và trung bình, thu hút được sự quan tâm trở lại của người mua có nhu cầu thật.
Còn theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, thị trường chung cư của Hà Nội năm 2014 sẽ ổn định về mặt giá cả, đặc biệt, với hàng loạt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, trung bình đang triển khai rầm rộ, tổng cung sẽ dồi dào hơn. Thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Hà Nội là rất lớn.
Theo tính toán, nếu tính theo tiêu chuẩn diện tích nhà ở 8-10m2/đầu người, Hà Nội còn cần gần 130.000 căn hộ, nếu theo tiêu chuẩn 5m2/đầu người thì cũng cần 42.000 căn hộ cho các đối tượng người có thu nhập thấp.
Triển khai theo chương trình nhà ở xã hội đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, Hà Nội dự kiến có thêm 125.000 căn. Hiện nay, thành phố có 30 dự án, trong đó có 18 dự án đã hoàn thành (tương đương 4000 căn hộ đưa ra thị trường), 8 dự án khác sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2014-2015.
Việc cơ cấu lại các dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội có khả năng mang lại khoảng 11.300 căn hộ nữa. Như vậy, các dự án dần điều chỉnh từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đã đáp ứng nhu cầu mua nhà của người dân và cũng là cách để bán hàng của nhiều chủ đầu tư.
Hiện nguồn cung chính ở phân khúc nhà ở xã hội tại thị trường Hà Nội đang tập trung chủ yếu ở các dự án: Đặng Xá 2 (huyện Gia Lâm), Sài Đồng-Rice City Sông Hồng (quận Long Biên), 30 Phạm Văn Đồng-Trung Văn mở rộng-Tây Mỗ-Bắc Cổ Nhuế Chèm (huyện Từ Liêm)... Bên cạnh đó, một số dự án chung cư hạng trung cũng được nhiều người quan tâm như: Kim Văn- Kim Lũ, Văn Phú-Victoria, chung cư Trung Văn-Vinaconex 3, Đại Thanh, nhà ở cán bộ liên cơ quan quận Long Biên (đường Nguyễn Văn Cừ)…
Với một thực tế là toàn bộ hơn 2.000 căn hộ thu nhập thấp giai đoạn 1, 2 khu đô thị Đặng Xá đã có chủ sở hữu cho thấy nhu cầu được mua nhà với giá thấp vẫn còn rất nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng của doanh nghiệp, địa phương vẫn cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành bằng các giải pháp hữu hiệu nhằm đưa nhà thu nhập thấp thực sự đến được với những người lao động có thu nhập thấp.
Theo Vietnam+