Thị trường carbon cần tính toán kỹ để không trả giá đắt
Việt Nam đang bước vào giai đoạn thử nghiệm thị trường carbon nội địa với mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Đánh giá tác động thị trường carbon trong nước của Việt Nam trong giai đoạn thí điểm”, tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) tổ chức.
Thiết kế thị trường: Ưu tiên tính khả thi và hiệu quả kinh tế
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Loan – Giám đốc Công ty TNHH Kiến Tạo Khí hậu Xanh (GreenCIC), Trưởng nhóm tư vấn – nhấn mạnh, để thị trường carbon vận hành hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý vững chắc, dựa trên phân tích, mô hình hóa tác động của các phương án thiết kế và quản lý.
Bà Nguyễn Hồng Loan thông tin tại hội thảo |
“Chúng tôi tập trung đánh giá ba khía cạnh then chốt: xác định phạm vi hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS), thiết lập hạn mức phát thải và phân bổ hạn ngạch phù hợp. Các phương án được xây dựng nhằm tối ưu giữa mục tiêu giảm phát thải và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp” – bà Loan cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, ba lĩnh vực phát thải lớn nhất – gồm sắt thép, xi măng và nhiệt điện – chiếm trên 70% tổng lượng phát thải toàn ngành công nghiệp, là trọng tâm trong giai đoạn thí điểm. Cụ thể, 27 cơ sở sản xuất thép thô, 31 cơ sở nhiệt điện và các nhà máy sản xuất clinker trong ngành xi măng sẽ được đưa vào vận hành thử sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Đáng chú ý, việc phân bổ hạn ngạch phát thải được đề xuất theo hai kịch bản: cho phép doanh nghiệp sử dụng tín chỉ carbon bù trừ ở mức 10% (ETS10) và 20% (ETS20), tương ứng với quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
ETS20: Phương án hiệu quả nhất cho phát triển bền vững
Dựa trên kết quả mô phỏng và phân tích tác động, ông Hồ Công Hòa – chuyên gia Học viện Chính sách và Phát triển – cho rằng mô hình ETS20 mang lại hiệu quả vượt trội cả về chi phí, năng lực điều tiết và mục tiêu giảm phát thải.
Ông Hồ Công Hòa chia sẻ về kết quả mô phỏng, phân tích |
“ETS sẽ hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn giữa đầu tư công nghệ và mua tín chỉ carbon. Mô hình này không chỉ giảm chi phí tuân thủ, mà còn tạo động lực đầu tư xanh, ổn định giá tiêu dùng và kiểm soát lạm phát hiệu quả hơn” – ông Hòa phân tích.
Theo kết quả nghiên cứu, kịch bản ETS20 giúp đạt được mục tiêu NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) với chi phí tối ưu, giảm áp lực lên GDP, đầu tư và tiêu dùng. Trong các ngành được nghiên cứu, nhiệt điện là bên mua hạn ngạch chủ yếu, trong khi xi măng và thép có tiềm năng trở thành bên bán nhờ ưu thế công nghệ và mức phát thải tương đối thấp.
Đặc biệt, ngành xi măng được đánh giá có khả năng đầu tư công nghệ hiệu quả nên có xu hướng giữ vai trò cung ứng tín chỉ. Trong khi đó, ngành thép – nếu áp dụng kịch bản ETS10 – có thể là bên bán, nhưng với ETS20, sẽ chuyển sang vai trò bên mua do giá tín chỉ thấp hơn.
Dù kết quả nghiên cứu bước đầu rất khả quan, nhóm chuyên gia cũng chỉ ra một số tồn tại. Cụ thể, dữ liệu đầu vào còn thiếu độ tin cậy do chủ yếu dựa trên số liệu phát thải giai đoạn 2020 - 2022 và chưa có dữ liệu đo đạc trực tiếp tại nhiều cơ sở. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính chính xác trong việc phân bổ hạn ngạch và đánh giá chi phí tuân thủ thực tế.
Đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận |
Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị mở rộng phạm vi mô hình hóa, tích hợp thêm các lĩnh vực phát thải khác ngoài ba ngành trọng điểm. Điều này sẽ giúp dự báo cung – cầu tín chỉ carbon trong nước chính xác hơn, đồng thời phản ánh được đặc thù công nghệ, chi phí và hành vi thị trường của từng ngành.
Nhóm tư vấn đề nghị, cần xây dựng các kịch bản vận hành thị trường ETS phù hợp với điều kiện pháp lý, hạ tầng công nghệ và năng lực quản lý của Việt Nam. Việc nghiên cứu mô hình quản trị, cơ chế phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chủ quản, chức năng lưu ký – thanh toán – giám sát, cũng như khả năng ứng dụng công nghệ số sẽ đóng vai trò quyết định trong thành công của thị trường carbon Việt Nam. |