Thế và lực của Bắc Kạn đã khác nhiều so với 15 năm trước
Quy mô nền kinh tế tăng lên 11 lần
Theo báo cáo của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2004 - 2018 đạt bình quân 8,78%/năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 6,56%/năm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,46%/năm; khu vực dịch vụ tăng 11,52%/năm.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn báo cáo tại Hội nghị |
Sau 15 năm (2004 - 2018), quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng lên 11 lần nên GRDP bình quân đầu người đạt khá. Cụ thể, đến năm 2018, tổng sản phẩm GRDP (theo giá hiện hành) đạt trên 9.962 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần so với năm 2004, góp phần cải thiện đáng kể mức thu nhập bình quân trên đầu người. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp xây dựng giai đoạn 2004 - 2008 sang cơ cấu dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp xây dựng giai đoạn 2009 - 2014 và duy trì cơ cấu này trong giai đoạn 2014 - 2018. Trong đó, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp đã giảm từ 45,7% năm 2004 xuống 43% năm 2008 và còn 30,3% năm 2018; khu vực công nghiệp - xây dựng từ 19,8% năm 2004 xuống 18,4% năm 2008 và còn 15,4% năm 2018; khu vực dịch vụ tăng từ 34,4% năm 2004 lên 38,4% năm 2008 và đạt 51,33% năm 2018.
Bên cạnh đó, cơ cấu các thành phần kinh tế trong GRDP cũng có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng phát triển và có sự đóng góp ngày càng tăng của thành phần kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng đóng góp của thành phần kinh tế tập thể, điều này phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, đó là tập trung đẩy mạnh sự phát triển của tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân nhằm phát huy, huy động được các tiềm năng, nguồn vốn trong dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2004 - 2018 đạt 11,52%/năm; cơ cấu khu vực dịch vụ tăng 34,4% năm 2004 lên trên 51% năm 2018. “Xét trong nội ngành dịch vụ, ngành có đóng góp quan trọng nhất là thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm trên 80% trong ngành dịch vụ, tiếp đến là dịch vụ lưu trú và ngành dịch vụ khác”- lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay.
Duy trì và nâng cao được tốc độ phát triển kinh tế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị và nội dung tổng kết Nghị quyết 37 của tỉnh, thể hiện sự quan tâm và ý thức trách nhiệm cao của tỉnh Bắc Kạn trong việc thực hiện tổng kết Nghị quyết.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chỉ đạo Hội nghị |
Theo đó, Bắc Kạn đã đạt những thành tựu to lớn sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, tuy nhiên các địa phương khác trong cả nước cũng phát triển và còn phát triển nhanh hơn Bắc Kạn và các địa phương trong vùng. “Thế và lực của Bắc Kạn đã khác nhiều so với năm 2004 và để duy trì và nâng cao được tốc độ phát triển trong thời gian tới, cần có cơ chế chính sách đặc thù để huy động được nguồn lực xã hội; bên cạnh đó do điều kiện và đặc thù riêng vùng, cần có định hướng ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội của vùng và Bắc Kạn nói riêng”- ông Nguyễn Văn Bình đề xuất.
Trên cơ sở đó, công nghiệp không phải là thế mạnh của Bắc Kạn mà phải tập trung phát triển công nghiệp chế biến phục vụ cho nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. “Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa; tập trung phát triển dịch vụ du lịch và hạ tầng giao thông theo đó Trung ương sẽ đầu tư các đường liên tỉnh, địa phương quan tâm đầu tư mạng lưới giao thông trong tỉnh để kết hợp hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương”- Trưởng ban Kinh tế nói.
Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng |
Cùng ngày, Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà hai Mẹ Việt Nam Anh hùng là Nguyễn Thị Bé và Mông Thị Thi ở Thành phố Bắc Kạn và chúc các mẹ Việt Nam anh hùng mạnh khỏe, sống vui, sống thọ cùng người thân, gia đình. Đồng thời mong muốn các Mẹ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, là tấm gương cho con cháu noi theo và động viên gia đình tích cực lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.