Thứ năm 21/11/2024 00:22

Thế giới vẫn phụ thuộc vào than dù lo ngại về biến đổi khí hậu tăng

Theo nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ, thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng ròng về sản lượng điện từ than.

Theo nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ, thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng ròng về sản lượng điện từ than do số nhà máy mới nhiều hơn số nhà máy bị đóng cửa hàng năm.

Theo báo Nikkei Asia, dù có những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu, thế giới vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than.

Vận chuyển than tại nhà ga Towarowy ở thị trấn Rybnik, Ba Lan, ngày 15/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than để sản xuất điện lớn nhất thế giới, hiện có công suất nhiệt điện lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong 5 năm qua, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đợt nắng nóng mùa Hè làm tăng nhu cầu năng lượng. Ở châu Âu, nhiều quốc gia đã đảo ngược chính sách loại bỏ dần nguồn năng lượng từ than trước tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khí thải carbon toàn cầu. Theo ước tính của Kayrros, một công ty nghiên cứu dữ liệu dựa trên vệ tinh ở Pháp, Trung Quốc sử dụng than để sản xuất hơn một nửa lượng điện năng, với sản lượng điện từ than trung bình hàng ngày tăng 14,2% trong tháng 7 so với một năm trước đó.

Sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách "không COVID" vào đầu tháng 1/2023, nhu cầu về điện ngày càng tăng khi hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Ngoài ra, một đợt nắng nóng kỷ lục trên cả nước vào mùa Hè năm nay khiến việc sử dụng điều hòa trở thành điều tất yếu. Bắc Kinh ghi nhận ngày nóng nhất vào tháng 6, với nhiệt độ lên tới 41 độ C trong thời gian ngắn.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất không đạt được bước tiến nào trong lộ trình khử carbon. Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế công bố vào tháng 7, nhu cầu về than ở Ấn Độ, quốc gia sử dụng than để sản xuất điện lớn thứ hai thế giới, đã tăng 8% vào năm 2022. Indonesia, với nhu cầu tăng 36%, đã trở thành quốc gia sử dụng nhiệt điện lớn thứ năm. Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao mới vào năm 2023.

Than tương đối rẻ và là nguồn cung cấp ổn định. Cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều sử dụng nhiệt điện trong những thời điểm khẩn cấp. Ngay cả Đức, quốc gia đi đầu trong việc khử carbon, cũng đã chuyển sang tăng cường sử dụng nguồn nhiệt điện từ than, khi Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Robert Habeck trích dẫn tình hình năng lượng nghiêm trọng do sự gián đoạn trong nguồn cung khí đốt của Nga. Pháp cũng đã nối lại hoạt động của các nhà máy điện dùng than.

Tại Nhật Bản, than được sử dụng cho sản xuất khoảng 30% lượng điện. Tỷ lệ này tăng khoảng 5 điểm phần trăm sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 và nước này đã không thể giảm mức sử dụng than từ thời điểm đó.

Theo nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ, thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng ròng về sản lượng điện từ than do số nhà máy mới nhiều hơn số nhà máy bị đóng cửa hàng năm. Nhiều nhà máy mới đã mọc lên ở châu Á, trong đó có Nhật Bản, trong khi các cơ sở mới đã được mở ở Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc, quốc gia chiếm một nửa số nhà máy mới, đã làm chậm tốc độ ngừng hoạt động của các tổ máy nhiệt điện hiện có.

Các nhà máy mới có thể hiệu quả hơn nhưng lượng phát thải khí nhà kính từ các nhà máy đốt than vẫn còn đáng kể. Thế giới có thể sẽ phải trả giá đắt nếu không thể ngừng sử dụng than.

Hiệp ước Paris, một hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu, có mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dự báo nhiệt độ tăng hơn 1,5 độ C sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng, lượng mưa quá mức và các rủi ro khí hậu khác.

Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện ở Adamsville, bang Alabama, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, một cơ quan của Liên hợp quốc, cho biết trong một báo cáo hồi tháng Ba rằng thế giới chỉ có thể thải thêm 400 tỷ tấn CO2 nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5 độ C.

Nếu lượng phát thải hàng năm hiện tại với tốc độ 40 tỷ tấn vẫn tiếp tục, mục tiêu sẽ trở nên xa tầm với trong khoảng 10 năm nữa. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, “quả bom hẹn giờ về khí hậu đang điểm.”

Theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember của Anh, tổng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo đã tăng gấp ba lần từ năm 2000 đến năm 2022. Con số này đã tăng 1,8 lần trong thập kỷ qua. Giáo sư Daisuke Hayashi tại Đại học Ritsumeikan cho biết, kể từ những năm 2000, Trung Quốc đã chú trọng năng lượng tái tạo như một ngành công nghiệp mới cũng như một biện pháp chống ô nhiễm không khí.

Vấn đề là chỉ riêng năng lượng tái tạo không thể tạo ra đủ điện để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển và đây là lý do tại sao sản lượng điện từ than toàn cầu đã tăng 15% trong thập kỷ qua và tiếp tục tăng.

Các đợt nắng nóng do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra làm tăng sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch, từ đó khiến nhiệt độ tăng thêm. Thế giới cần phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này, nếu không có thể thấy 10 năm để ngăn chặn thảm họa khí hậu sẽ nhanh chóng trôi qua./.

www.vietnamplus.vn
Bài viết cùng chủ đề: Biến đổi khí hậu

Tin cùng chuyên mục

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 20/11/2024: Pháp 'quay xe' khi Nga công bố chiến lược hạt nhân mới

Chiến sự Nga-Ukraine trưa 20/11: Nga cảnh báo 'sắc lạnh'; Ukraine thất thủ tại Donbass

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Liên Hợp Quốc cảnh báo 'nóng' sau khi Ukraine phóng tên lửa vào biên giới Nga

Tổng thống Zelensky: 'Ukraine sẽ thua cuộc nếu thiếu viện trợ của Mỹ’

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 20/11/2024: Ông Zelensky thừa nhận sự thật về Ukraine; Nga nói lý do kéo dài xung đột

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 20/11: Nga bắt giữ lính đánh thuê phương Tây; Ukraine bắn hạ tên lửa hành trình Nga

Toàn cảnh thế giới 19/11: Mỹ sẽ ra 'cảnh báo nóng' trước tin thủ lĩnh Hamas chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ

Đại tướng Phan Văn Giang hội kiến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào

Chiến sự Nga-Ukraine tối 19/11: Nga tiến quân như vũ bão ở Kupyansk; Ukraine sẽ phá huỷ cầu Crimea?

Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn ai cho vị trí Bộ trưởng giữ 'ngân khố' của Hoa Kỳ?

Chiến sự Trung Đông: Hezbollah chấp nhận ngừng bắn, Mỹ gấp rút đến Lebanon tìm hoà bình

Một năm sau xung đột ở Dải Gaza và 'vết thương chưa lành' giữa Israel-Hamas

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 19/11/2024: Ukraine dự báo các mục tiêu ưu tiên tấn công trong lãnh thổ Nga

Chiến sự Nga-Ukraine trưa 19/11: Zaporizhia sắp 'đổ lửa'; 200.000 lính Nga sẵn sàng xung trận

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tại Hội nghị G20

Ông Donald Trump chọn MC đài Fox News làm Bộ trưởng Giao thông vận tải

Lầu Năm Góc thừa nhận việc phóng vũ khí tầm xa vào Nga là 'không có tác động'

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 19/11/2024: Ba Lan nói thời điểm quyết định xung đột; Ukraine nêu các hướng ‘nóng’ nhất mặt trận

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/11: Quan chức Bộ Tổng tham mưu Ukraine thiệt mạng; Kiev tập kích lính Nga