Thứ năm 14/11/2024 08:31

Thế giới thiếu 8,7 triệu tấn gạo, xuất khẩu gạo Việt đang hưởng lợi

Tình trạng thiếu hụt lương thực được dự báo nghiêm trọng hơn trong năm 2023 và thúc đẩy giá xuất khẩu gạo của các quốc gia, bao gồm Việt Nam ở mức cao kỷ lục.

Thế giới thiếu 8,7 triệu tấn gạo năm 2023

Theo dự báo của Tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô Fitch Solutions thuộc Tập đoàn Fitch, dự báo thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất hai thập kỷ trong năm 2023.

Fitch Solutions cho rằng sự thiếu hụt ở mức độ này đối với một trong những loại ngũ cốc được canh tác nhiều nhất thế giới được dự báo sẽ ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu gạo lớn. Và trên phạm vi toàn cầu, tác động rõ rệt nhất của tình trạng thiếu gạo là giá gạo đã và vẫn đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ, thậm chí giá gạo sẽ vẫn neo quanh mức cao hiện tại cho tới năm 2024. Báo cáo của Fitch Solution cũng dự báo trong năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, về nguồn cung lúa gạo toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đạt mức 503,96 triệu tấn, giảm gần 2%, tương đương giảm gần 11,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tại các nước xuất khẩu lớn giảm đáng kể đó là: Ấn Độ từ 130,29 triệu tấn xuống còn 124 triệu tấn; Pakistan giảm từ 9,1 triệu tấn xuống còn 6,6 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022, sản lượng được dự báo này ở mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.

Giá gạo Việt Nam đang tăng kỷ lục trong vòng 2 năm qua

Sự lo ngại thiếu hụt gạo trên toàn cầu đã và đang có những tác động theo hướng có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex - cho biết: Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, thủy sản, da giày và gỗ đang sụt giảm nghiêm trọng thì lúa gạo vẫn là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu quý I/2023. Cụ thể, xuất khẩu gạo dù giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Và với tình hình thế giới đang tiếp tục có nhu cầu cao về an ninh lương thực như hiện nay, chúng tôi dự báo giá gạo sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Thực tế cũng cho thấy, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 495 - 500 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng từ mức 465 - 470 USD cách đây một tuần.

Trong nước, theo thống kê từ ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua lúa gạo cũng đang ở mức cao do nguồn cung xuống thấp. Cụ thể, tại Hậu Giang, giá lúa IR 50404 được thu mua phổ biến 7.300 đồng/kg, OM 18 là 7.900 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg; tại Cần Thơ giá lúa OM 4218 cũng ghi nhận tăng 100 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg so với tuần trước, trong khi đó các loại khác vẫn giữ ở mức cao như IR 50404 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg…

“Từ tháng 3/2023 giá lúa gạo bắt đầu tăng lên cao, vượt đỉnh của năm 2022 và với giá này bà con nông dân rất có lợi” - ông Bạch Ngọc Văn - Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2 đánh giá.

Giá sẽ còn tiếp tục tăng…

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), dự báo năm nay Việt Nam còn 2 đợt tăng giá gạo (vào khoảng tháng 5 và tháng 10 - 11) do nhu cầu nhập khẩu cao.

Ông Thành cho rằng, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua gạo trong tháng 4/2023. Nguyên nhân do, cao điểm thu hoạch rộ vụ Đông Xuân đã qua, lúa hàng hóa không còn nhiều, giá lúa gạo sẽ tăng lên. Các nhà nhập khẩu gạo sẽ tranh thủ mua vào. Bên cạnh đó, vụ Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm cho chất lượng gạo tốt nhất, các công ty kinh doanh gạo nội địa cũng tranh thủ mua vào giữ chân hàng trong kho bán dần đến vụ Hè Thu, thậm chí bán đến vụ Thu Đông. Ngoài ra, đầu năm 2023, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lượng tồn kho rất thấp, thậm chí có những công ty gần như hết tồn kho. Trong khi theo quy định của Nghị định 107 mỗi doanh nghiệp phải giữ trong kho lượng gạo tương đương 5%/ tổng lượng gạo xuất khẩu.

Liên quan đến việc thu mua lúa gạo, ông Bạch Ngọc Văn - Phó tổng giám đốc Vinafood 2 - cho biết: Là đơn vị đầu mối, đầu tàu trong ngành nên Vinafood 2 chủ trương tiếp tục thu mua lúa cho bà con nông dân. Tính tới nay, Vinafood 2 đã thu mua khoảng 500.000 tấn gạo (tương đương 1 triệu tấn lúa quy đổi) với giá thị trường. “Chủ trương của Vinafood 2 là đảm bảo tiêu thụ hết lúa cho bà con nông dân với giá cao”- ông Văn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng:

Khả năng tài chính của doanh nghiệp hạn chế

Lúa Đông Xuân chất lượng tốt nhất nên có nhiều khách Trung Quốc, Philippines tìm về miền Tây mua gạo, đẩy giá lúa tăng.

Mặc dù các doanh nghiệp đang tăng gom hàng, song vấn đề khả năng tài chính của doanh nghiệp cũng góp phần tác động lên quyết định bán của họ.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp có hệ thống kho tàng không đảm bảo trữ lâu dẫn đến chất lượng gạo xuống cấp, cộng với việc vay tiền tương đối khó, thời gian vay lại ngắn và áp lực trả nợ ngân hàng khi đến hạn sẽ khiến họ không thể giữ hàng lâu chờ giá. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp có hệ thống kho chứa bảo đảm, tiềm lực kinh tế mạnh; khi hàng đã vào kho, họ sẽ chờ thị trường định hình rồi mới bung hàng.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):

Cần tăng hạn mức tín dụng hoặc cho doanh nghiệp vay tín chấp

Vì thị trường đang ở thế thuận lợi nên các doanh nghiệp muốn tận dụng thời cơ, tranh thủ thu mua lúa cho người dân song họ lại không đủ tiềm lực về tài chính.

Từ đó, chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét và sớm đề xuất với các ngân hàng thương mại về khả năng cho vay không tài sản bảo đảm, áp dụng trong khoảng thời gian cao điểm thu hoạch mùa vụ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ tín dụng dành cho doanh nghiệp kinh doanh gạo.

Thùy Dương - Hà Duyên
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu gạo

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu sầu riêng: Nhận định nào về đối thủ cạnh tranh?

Cơ hội nào cho thủy sản xuất khẩu sang Mỹ sau bầu cử Tổng thống mới?

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh vào đầu năm 2025

Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng kỷ lục, 10 tháng Việt Nam thu về 4,6 tỷ USD

'Rộng cửa' xuất khẩu giày dép sang thị trường Chile

Nhập khẩu thịt heo có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5/2024 đến nay

Thương mại Việt Nam và Peru, Chile ‘khởi sắc’ nhờ Hiệp định CPTPP

Đắk Lắk: Huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng niên vụ năm 2024

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quá cảnh hàng hoá của Campuchia qua Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Dự báo, xuất khẩu cao su năm 2024 đạt từ 3 - 3,5 tỷ USD

Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu tăng mạnh, Hoa Kỳ giữ vững vị thế thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam

10 tháng, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 346.283 tỷ đồng

10 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1 tỷ USD

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến gần mốc 170 tỷ USD sau 10 tháng

Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada tăng trở lại

Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh