Thành phố Cần Thơ: Kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường Ấn Ðộ
Tính đến nay, Ấn Ðộ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là trụ cột quan trọng trong chính sách hành động hướng Ðông của Ấn Ðộ. Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19, Ấn Ðộ duy trì các cam kết cấp cao với Việt Nam.
Rau củ quả sấy khô là mặt hàng được thị trường Ấn Độ ưa chuộng |
Trong 10 năm qua, thương mại song phương giữa Ấn Ðộ và Việt Nam đạt được tăng trưởng ổn định và đạt khoảng 10,06 tỉ USD trong năm 2020. Đối với Ấn Ðộ, Việt Nam đang là điểm đến xuất khẩu lớn 15 trên thế giới và thứ 3 sau khu vực Ðông Nam Á với mặt hàng: thịt trâu, thủy sản, dược phẩm, bông, thép, máy móc… Ấn Ðộ nhập khẩu từ Việt Nam các thiết bị di động, cao su thiên nhiên, máy móc, máy tính và phần cứng điện tử, cà phê, hóa chất.
Thời gian qua, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Ðộ tăng trưởng ấn tượng dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hai quốc gia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Ðộ trong 10 tháng/2021 đạt trên trên 5,1 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tại TP. Cần Thơ, trong 10 tháng/2021 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu TP, Cần Thơ và Ấn Ðộ đạt khoảng 8,28 triệu USD. Trong đó, TP. Cần Thơ xuất khẩu sang Ấn Ðộ khoảng 0,8 triệu USD với các mặt hàng như thủy hải sản, may mặc, thép, nông sản và nông sản chế biến…
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Ðộ tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá: Việt Nam hiện nổi lên là thị trường mới thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, nhiều công ty, tập đoàn lớn của Ấn Ðộ đã chuyển văn phòng, cơ quan đại diện từ các nước lân cận sang Việt Nam. Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư mới, là lựa chọn hàng đầu cho các công ty Ấn Ðộ thiết lập trung tâm sản xuất lớn và đa dạng chuỗi cung ứng. Ðặc biệt, Ấn Ðộ có chuyên môn cao trong lĩnh vực thông tin, dược phẩm và dầu khí. Lĩnh vực này được đánh giá là phù hợp với nhu cầu với Việt Nam hiện nay. Riêng tại TP. Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng có rất nhiều cơ hội để hợp tác và phát triển với Ấn Độ.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, mặc dù có nhiều dư địa phát triển, nhưng sự hợp tác giữa TP. Cần Thơ và Ấn Ðộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cần Thơ mong muốn, Lãnh sự quán Ấn Ðộ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối giới thiệu cho các tập đoàn toàn cầu của Ấn Ðộ đến tìm hiểu môi trường hợp tác đầu tư tại TP. Cần Thơ trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, dịch vụ logistics, công nghệ thông tin. Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ÐBSCL trực thuộc Trung ương với nhiều ưu đãi về cơ chế đặc thù để phát triển. TP. Cần Thơ cam kết, tạo mọi điều kiện cho DN nước ngoài, trong đó có DN Ấn Ðộ, khi xúc tiến thương mại đầu tư vào thành phố.
Từ phía các DN, theo ông Trần Thủ Nguyễn - Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Mekong (Cần Thơ) cho hay công ty hiện đang xuất khẩu trái cây sấy khô qua thị trường Ấn Ðộ. Mặc dù hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng xuất khẩu của công ty, nhưng DN tự tin vào năm 2023, thị trường Ấn Ðộ sẽ là thị trường chính của công ty với khoảng 30- 40% tổng sản lượng xuất khẩu.
Do ảnh hưởng dịch dịch bệnh, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương không thể tổ chức các hội nghị, hội thảo giao thương trực tiếp, nhưng thông qua hoạt động kết nối giao thương bằng hình thức online (trực tuyến) cũng đã hỗ trợ DN kết nối tìm đầu ra cho nhiều sản phẩm xuất khẩu nhất là nông sản của vùng ĐBSCL.
Hiện nay, vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh đi Ấn Ðộ phải qua chuyển tải khiến hàng hóa giao khách hàng bị chậm (từ 5- 10 ngày). Ðể thúc đẩy kết nối giao thương giữa Việt Nam nói chung, TP. Cần Thơ nói riêng với Ấn Ðộ, các DN mong muốn, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giữa Ấn Ðộ và Việt Nam nên tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế, có sự tham gia các nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà phân phối uy tín của cả hai bên. Ðồng thời, cần sự có mặt của các tổ chức như kiểm dịch, kiểm định, ngân hàng, hải quan… nhằm tạo niềm tin để hai bên kết nối thương mại chặt chẽ và hiệu quả hơn.