Thanh Hóa: Đa dạng điểm bán hàng Việt Nam
Nhiều sản phẩm đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP |
Nhằm đa dạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại 4 địa điểm, gồm: Trung tâm Trưng bày hàng hóa tỉnh Thanh Hóa của Chi nhánh VCCI, tại số 91 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ; quầy bán hàng trong chung cư Xuân Mai, phường Đông Hải; cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, số 567 Quang Trung 3, phường Đông Vệ và quầy hàng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh số 18, đường Hạc Thành, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa.
Tại mỗi điểm đều có hàng chục sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các vùng, miền trong tỉnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP, những sản phẩm nông - lâm nghiệp tiềm năng cũng được bày bán để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng như: Dưa lưới, dưa vàng kim hoàng hậu; nước mắm Lê Gia; bánh gai Lâm Thắm; miến gạo Thăng Long; chè Bình Sơn; chiếu cói Ngân Khương; rượu Sâm Báo; chè lam Phủ Quảng…
Cùng với các điểm bán sản phẩm OCOP, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng được 14 điểm bán hàng có biển hiệu chỉ dẫn Điểm bán hàng Việt Nam với diện tích mỗi điểm bán hàng tối thiểu là 65m2. Tại các Điểm bán hàng Việt Nam, 100% hàng hóa bày bán là hàng sản xuất trong nước, chủng loại đa dạng, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá luôn được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết.
Điểm bán hàng Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động đã góp phần bình ổn thị trường, giá trên địa bàn nông thôn, miền núi của tỉnh, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tại các địa phương có điểm bán hàng Việt Nam, hàng tiêu dùng sản xuất trong nước luôn ổn định về giá cả, kể cả trong những dịp lễ, Tết; nguồn hàng luôn dồi dào nên không xảy ra hiện tượng khan hiếm hay thiếu hụt hàng hóa. Các điểm bán hàng Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, là địa chỉ mua sắm tin cậy của người dân trong tỉnh, nhất là trên địa bàn các huyện miền núi. Chính vì vậy, doanh số bán hàng của các siêu thị có điểm bán hàng Việt Nam ngày một tăng, doanh thu bình quân từ 35 - 50 triệu đồng/ngày.
Song song với việc xây dựng các điểm bán hàng hóa được sản xuất trong nước, hàng năm, Sở Công Thương Thanh Hóa tổ chức các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mỗi phiên chợ có khoảng 20 gian hàng do các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được sản xuất trong nước tham gia. Hàng hóa bày bán tại các phiên chợ 100% là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý. Các phiên chợ thu hút khá đông người tiêu dùng, doanh thu mỗi phiên chợ đạt từ 300 - 400 triệu đồng. Các phiên chợ này đã mang lại cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng Việt Nam chất lượng và giá thành hợp lý cho người tiêu dùng nông thôn, được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Đồng thời, là nơi quảng bá hữu hiệu hàng Việt Nam, tạo điều kiện tăng doanh thu cho các cơ sở kinh doanh hàng hóa Việt Nam.
Đến nay, Thanh Hóa có 42 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đã đề xuất trở thành sản phẩm OCOP quốc gia. |