Chủ nhật 22/12/2024 19:05

Thanh Hóa: Cảng cá Lạch Bạng bồi lắng khiến ngư dân gặp khó mỗi khi ra khơi

Nghề đánh bắt hải sản tạo việc làm cho cả nghìn lao động, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Tuy nhiên, Cảng Lạch Bạng bị bồi lắng khiến ngư dân gặp khó khăn.

Ngư dân gặp khó khăn

Cảng Lạch Bạng, nằm trên địa bàn phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, được đưa vào khai thác từ năm 2003 với mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng Lạch Bạng đã thu hút lượng lớn tàu thuyền của thị xã Nghi Sơn và nhiều tỉnh vào neo đậu, trao đổi hàng hóa, đồng thời là nơi tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây cửa lạch đang bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, nhất là tàu có công suất từ 400CV trở lên. Đáng lo lắng, nhiều tàu thuyền bị mắc cạn, hư hỏng nặng từ nhiều tháng nay.

Cửa vào cảng Lạch Bạng bị bồi lắng, nhiều tàu lớn không thể ra vào cảng, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn cho biết, trước đây, số lượng tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng khoảng hơn 700 phương tiện. Ngoài ra, cảng Lạch Bạng cũng đón khoảng trên 100 tàu từ các tỉnh ngoài tham gia đánh bắt, trao đổi hàng hóa tại cảng. Khoảng cuối năm 2017 đến nay, tình trạng bồi lắng diễn ra nghiêm trọng, hầu hết số tàu thuyền của các tỉnh đã chuyển sang ngư trường khác để hoạt động, còn lại hiện đang neo đậu tại cảng và không thể ra khơi.

Bà Nguyễn Thị Si (68 tuổi), trú tại phường Hải Bình cho hay: “Nhà tôi có 4 tàu đánh bắt thu mua hải sản do 4 người con trai chỉ huy. Năm nay nghề cá khó khăn hơn trước, đánh bắt thủy sản hôm được hôm không. Tình trạng bồi lắng, cản trở nhiều tàu lớn ra khơi đánh bắt hải sản là nỗi lo lắng đối với người dân Hải Bình chúng tôi. Mong các cơ quan chức năng sớm nạo vét khơi thông dòng chảy để tàu của ngư dân yên tâm ra khơi bám biển”

Còn ông Nguyễn Văn Tám, ngư dân ở phường Hải Bình chỉ tay về phía con tàu TH 91566, nói với giọng buồn rười rượi: “Bao nhiêu năm tôi vươn khơi bám biển trên con tàu này, có những lúc khó khăn vất vả nhưng chưa bao giờ lại khó khăn như lúc này. Hàng tháng nay tàu của chúng tôi phải nằm ì tại cảng vì luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, chỉ lúc nào thủy triều lên chúng tôi phải nhanh chóng cho tàu chạy nhanh mới vào, ra kịp nếu không thì tàu bị mắc cạn sóng đánh vỡ tung”.

Ông Đinh Tiến Đạt, cán bộ phụ trách cảng cá Lạch Bạng cho biết: Hiện nay, ngư dân kiến nghị đường vào cảng bị bồi lắng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Tiến Đạt, cán bộ phụ trách cảng cá Lạch Bạng cho biết: Hiện nay, ngư dân kiến nghị nhiều nhất là đường vào cảng bị bồi lắng. Nhiều tàu có công suất lớn không thể cập bến, tàu muốn ra vào cảng Lạch Bạng phải chờ thủy triều tới 2 - 3 ngày. Do luồng lạch bị bồi lắng, nên mỗi ngày, số lượng tàu thuyền ra vào chỉ từ 3 - 5 chiếc công suất trên 400 CV- 600 CV. Nếu nạo vét được thì số lượng tàu tiếp nhận hàng chục tàu lớn. Cảng Lạch Bạng chủ yếu tàu dịch vụ, thu mua. Hiện nay trên địa bàn có 25- 30 cơ sở thu mua, chế biến hải sản, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhưng do tàu lớn không vào được phải trung chuyển hoặc thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên các nhà máy phải cắt giảm công nhân.

Nhiều tàu lớn không thể cập cảng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn cho biết: Hiện tại, các tàu đánh bắt và thu mua hải sản chuyên nghiệp số lượt ra khơi chỉ bằng 1/3 các năm trước. Nguyên nhân chính vẫn là cát biển bồi lắng cửa lạch làm tàu không thể ra vào, đặc biệt là các tàu lớn. Việc tàu không ra khơi đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động trên biển và làm nghề hậu cần nghề biển mất việc làm.

Do cửa vào cảng Lạch Bạng bị bồi lắng khiến nhiều tàu bị mắc cạn không thể ra khơi

Nếu so sánh, thì năm 2021, 2022 thu nhập bình quân của nhân dân Hải Bình chỉ bằng 1/3 năm 2018 (theo báo cáo năm 2021 thu nhập bình quân chỉ đạt 1 - 2 triệu đồng/người/tháng). Nghề biển ngày một bị cạnh tranh với các ngành nghề khác. Chỉ tính riêng tại phường Hải Bình có hàng ngàn lao động đang làm việc tại công ty giày da và chế biến hải sản trong khu vực có mức lương ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Lao động đã có tay nghề hoặc được đào tạo bài bản thì các công ty ở Khu kinh tế Nghi Sơn sẵn sàng chào mời với mức lương hấp dẫn, lại an toàn không phải lênh đênh dài ngày trên biển cả mênh mông. Mỗi khi tàu mắc cạn là chính quyền địa phương phải huy động người, thuyền cứu hộ để giải cứu. Có khi tàu mắc cạn va phải đá ngầm thì chìm rất nhanh. Lúc đó phải có đội thợ cứu hộ ở ngoài Cảng Hới (Sầm Sơn) hoặc ở Nghệ An vào giải cứu. Chi phí sửa chữa, thuê cứu hộ rất tốn kém.

Theo một chủ cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn cho hay, từ năm 2018 về trước, tàu thuyền ngư dân các tỉnh vào nhập cá và trú bão tại cảng Lạch Bạng rất nhiều. Theo đó, cá được nhập vào cảng khoảng 5.000 tấn/ngày (150.000 tấn cá/tháng).

Số cá này được đưa về các nhà máy chế biến hải sản trên địa phận phường Hải Bình và các cơ sở ướp lạnh để vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong nước và sang nước bạn Lào. Khoảng 5 năm trở lại đây, tàu đánh bắt ngoài khơi của các tỉnh bạn cũng thưa dần và ít về cảng Lạch Bạng.

Việc giảm tàu ra vào cảng Lạch Bạng khiến nhiều người dân thuộc 2 phường Hải Bình và Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn bị mất việc làm

Họ sợ vỡ tàu, sợ vào nhưng không ra được, sợ mất rất nhiều thời gian và tốn kém xăng dầu vận hành khi rời bến, hải sản để lâu sẽ bị ươn, thối… Nếu so sánh với các năm, thì năm 2022, lượng thủy sản về cảng Lạch Bạng chỉ bằng 20%.

Sẽ nạo vét cửa lạch để tàu cập cảng

Được biết, ngày 18/3/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 3566/UBND-NN gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu: Công trình cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bang, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư xây dựng từ những năm 2009-2012, luồng chạy tàu ra vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - Đảo Hòn Mê do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy vào cảng Lạch Bạng

Hiện nay, hệ thống luồng lạch ra vào cảng và khu neo đậu bị bồi lắng nghiêm trọng, đặc biệt tồn tại dải đá ngầm trong luồng chạy tàu đã gây khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào trao đổi hàng hóa và tránh trú bão, do đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về chủ trương đầu tư dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu, khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn với mục tiêu đầu tư đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền nghề cá ra vào cảng cá và âu để tránh, trú bão an toàn, bốc xếp thủy, hải sản và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hoa (chủ đầu tư) đã có đơn đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận vị trí xây dựng hạng mục nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu từ Km0-Km0-900 tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - đảo Hòn Mê. Nhưng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị Ban quản lý làm việc với đơn vị quản lý đường thủy nội địa nghiên cứu, đề xuất đưa vào kế hoạch bảo trì để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận phê duyệt kế hoạch thực hiện trong những năm tiếp theo.

This browser does not support the video element.

Vì vậy, để đầu tư đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, sớm đưa dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống lụt bão tại địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo và kính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho tỉnh Thanh Hóa đầu tư nạo vét và thanh thải dải đá ngầm đoạn từ Km0-Km0-900 trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Lạch Bạng - đảo Hòn Mê bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Việc nạo vét luồng lạch vào cảng Lạch Bạng để đảm bào an toàn cho tàu thuyền và tính mạng của nhân dân là rất bức thiết. Thế nhưng do vướng mắc nhiều thủ tục, quy trình đầu tư mà đến nay dự án vẫn chưa triển khai thực hiện được khiến người dân càng thêm lo lắng.

Hoàng Minh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 2 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Cải tiến quá trình sản xuất - yếu tố ''sống còn'' với cộng đồng doanh nghiệp

Dự báo thời tiết biển hôm nay 21/12/2024: Xuất hiện một vùng áp thấp ở phía nam biển Đông

Nhân sự 20/12: Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7 trao quyết định về công tác cán bộ

Dự báo thời tiết hôm nay 21/12/2024: Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng ấm

Trao giải Cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ 2

“Nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất”- hành động đẹp cần được lan tỏa

Hà Nội: Làm rõ vụ 2 người tử vong, 14 người nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm